Khoảng 3.000 sĩ quan, bao gồm các đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ, đã tiến hành các cuộc đột kích ở Đức rạng sáng 7/12 và khám xét hơn 130 khu nhà. Giới chức cũng bắt hai người ở Áo và Italy.
"Các cuộc đột kích nhắm vào những người được cho là thành viên phong trào Reichsbuerger (Công dân của Đế chế) bị nghi ngờ đã có những bước chuẩn bị cụ thể để xông vào quốc hội Đức một cách thô bạo bằng một nhóm vũ trang nhỏ", Văn phòng công tố viên Đức ra thông cáo.
"25 người bị bắt đã lập một nhóm khủng bố muộn nhất là vào cuối tháng 11/2021. Nhóm này đặt mục tiêu lật đổ trật tự nhà nước hiện có ở Đức và thay thế bằng kiểu nhà nước của riêng họ", thông cáo có đoạn viết.
Những nhóm theo phong trào Reichsbuerger không công nhận nhà nước Đức hiện đại, tin vào thuyết âm mưu rằng Đế chế Đức vẫn tồn tại, dù Đức quốc xã đã bị đánh bại trong Thế chiến II.
Các sĩ quan cảnh sát phong tỏa khu vực truy quét thành viên nhóm cực hữu bị nghi âm mưu đảo chính ở Berlin, Đức, ngày 7/12. Ảnh: Reuters.
Nhóm này muốn đưa Heinrich XIII, cựu thành viên hoàng gia, trở thành lãnh đạo nước Đức trong khi một người tên Ruediger trở thành lãnh đạo lực lượng quân đội.
Văn phòng công tố viên Đức nói rằng Heinrich đã liên hệ với các quan chức ở Nga, song không có bằng chứng cho thấy những người này phản hồi tích cực với các yêu cầu từ nhóm cực đoan Đức.
Đại sứ quán Nga tại Đức cho biết các cơ quan ngoại giao và lãnh sự của Moskva tại Đức không duy trì liên lạc với đại diện của các nhóm khủng bố hay các nhóm bất hợp pháp khác.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết chính phủ sẽ dùng sức mạnh luật pháp để đối phó những nỗ lực đảo chính tương tự và sẽ tiếp tục điều tra để xem kế hoạch đảo chính của nhóm cực đoan đã tiến triển đến đâu.
Người phát ngôn của cơ quan tình báo quân đội Đức nói với Reuters rằng một quân nhân tại ngũ và một số quân nhân dự bị cũng nằm trong số những người bị điều tra vì nghi ngờ tham gia kế hoạch đảo chính.
Hồi tháng 8/2020, trong số những người biểu tình xông vào phía bậc thềm tòa nhà quốc hội của Đức có một số thành viên cầm cờ nhóm cực hữu. Cơ quan tình báo nội địa Đức ước tính khoảng 21.000 người theo phong trào Reichsbuerger, 5% trong số họ bị coi là những kẻ cực đoan và khoảng 2.100 thành viên của Reichsbuerger sẵn sàng dùng bạo lực để đạt được mục tiêu.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET