Bộ trưởng Giao thông Đức đang hối thúc Thủ tướng Angela Merkel chuẩn bị đóng cửa biên giới quốc gia và không tiếp nhận thêm người di cư. Vị quan chức nhấn mạnh Đức nên hành động một mình nếu như không đạt được thỏa thuận với các nước châu Âu.
Theo Guardian, Bộ trưởng Giao thông Đức, ông Alexander Dobrindt cho biết Đức sẽ không thể tiếp tục duy trì "khuôn mặt thân thiện". Cụm từ này vốn được Thủ tướng Merkel sử dụng khi Đức bắt đầu tiếp nhận người tị nạn tới quốc gia này cách đây 6 tháng. Cũng theo ông Dobrind, nếu số lượng người di cư mới tới Đức không giảm nhanh chóng, quốc gia này nên hành động một mình.
"Tôi khuyến cáo khẩn rằng chúng ta cần chuẩn bị phương án để không phải đóng cửa khu vực biên giới", ông Dobrindt, thành viên CSU, đảng liên kết với Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel chia sẻ với tờ Münchner Merkur.
Trong khi đó, lâu nay CSU đã liên tục gây áp lực với chính sách mở cửa đón người tị nạn của Thủ tướng Merkel khi chứng kiến 1,1 triệu người di cư tới Đức hồi năm 2015.
Trước đó, lãnh đạo đảng CSU, ông Horst Seehofer nhấn mạnh trong buổi phỏng vấn hồi tuần trước rằng ông sẽ gửi một bản yêu cầu lên chính phủ liên bang trong vòng 2 tuần tới để tái khôi phục "kỷ cương" tại khu vực biên giới Đức. Hiện tại, Bavaria là cửa ngõ chính để người di cư tới Đức.
Trong khi đó tại Hà Lan, các cuộc đụng độ đã bùng nổ vào cuối ngày 18/1 khi cảnh sát giải tán 1.000 người biểu tình tại một thị trấn nhỏ ở Heesch do phản đối kế hoạch mở cửa một trung tâm đón người tị nạn. Hiện không rõ cảnh sát Hà Lan đã bắt bao nhiêu người biểu tình và liệu có ai bị thương trong cuộc đụng độ hay không.
Về phần mình, Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ "có biện pháp cắt giảm số lượng người di cư tới Đức trong năm 2016" nhưng từ chối đưa ra số lượng cụ thể. Nữ Thủ tướng nhấn mạnh việc cắt giảm số lượng người di cư tới Đức sẽ không thể tiến hành nếu như không đóng cửa biên giới.
Thay vào đó, bà Merkel đang cố gắng thuyết phục các nước châu Âu xác lập số lượng tiếp nhận người di cư cụ thể, đồng thời mở cửa các trung tâm tiếp nhận bên ngoài khu vực biên giới châu Âu cũng như thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ngăn người di cư di chuyển tới châu Âu. Tuy nhiên, quá trình đàm phán hiện vẫn diễn ra rất chậm.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.