Foto: Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 1/1, Đức bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong năm 2022.
Trong bài phát biểu chào mừng năm mới 2022,
Mục tiêu của G7 sẽ không chỉ thúc đẩy sự chuyển dịch toàn cầu hướng tới một nền kinh tế thân thiện với môi trường, mà còn để tránh xung đột thương mại liên quan đến các chế độ thuế quan xanh khác nhau, như thuế biên giới carbon của Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Scholz nêu rõ: “Hợp tác quốc tế vô cùng quan trọng. Trong một thế giới sắp là nơi sinh sống của 10 tỷ người, tiếng nói của chúng ta sẽ chỉ được lắng nghe nếu chúng ta tạo ra sự hài hòa với những quốc gia khác.”
Theo ông Scholz, đây cũng chính là lý do tại sao Chính phủ mới của Đức đang rất quyết tâm củng cố sự gắn kết hơn nữa giữa các quốc gia trong EU.
Ông nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng ta là một châu Âu có chủ quyền, mạnh mẽ. Một châu Âu sống theo các giá trị chung của hòa bình, pháp quyền và dân chủ.”
Giới phân tích cho rằng vai trò dẫn dắt và tầm ảnh hưởng của Đức ở thời điểm hiện tại được xem là đặc biệt quan trọng, không chỉ bởi thế giới đang "vật lộn" với đại dịch COVID-19 cùng hàng loạt vấn đề cấp bách, mà còn vì Đức vừa trải qua một giai đoạn chuyển giao quyền lực, với một liên minh cầm quyền ba bên chưa từng có ở cấp độ liên bang do Thủ tướng Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) dẫn đầu.
Đây cũng là phép thử đối ngoại đầu tiên của chính quyền mới tại Đức trong giai đoạn sau khi nhà lãnh đạo Angela Merkel rời nhiệm sở./.
Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)