Đây là thông tin được ông Nguyễn Đắc Hoàn, Giám đốc Dự án hợp tác Đức – Việt nâng cao năng lực cho ngành nước Việt Nam (DEVIWAS) chia sẻ.
Vừa qua tại Hà Nội, Tổ chức Hợp tác ngành nước Đức (GWP) cùng với đơn vị hội viên là Công ty Tilia phối hợp với Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Tổ chức giải pháp nước quốc tế (WSI) tổ chức Hội nghị quốc tế về quản lý nước thải phi tập trung.
Ông Ưng Quốc Dũng, Phó chủ tịch VWSA cho biết xử lý nước thải phi tập trung là cách tiếp cận tốt nhất trong việc xử lý nước thải tại Việt Nam hiện nay, do có chi phí thấp, quy mô nhỏ và có thể áp dụng các công nghệ xử lý linh hoạt.
Andreas Bieber, Đại diện cơ quan bảo vệ đất và tài nguyên sinh thái thuộc Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân của Cộng hòa liên bang Đức, cho biết Đức là một trong những nước đi đầu châu Âu về xử lý nước thải và sử dụng nước một cách bền vững, nhờ áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để bảo vệ chất lượng nước và tăng cường áp dụng các công nghệ tiên tiến.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo ông Nguyễn Đắc Hoàn, Giám đốc Dự án DEVIWAS, với nhiều sông hồ đang bị ô nhiễm, Việt Nam có thể học hỏi từ Đức, một trong những nước hàng đầu thế giới về công nghệ môi trường, trong việc xử lý nước thải và bảo vệ nguồn nước.
“Nước Đức đã phải “trả giá” trong 100 năm để có được môi trường trong sạch như ngày hôm nay. Chính phủ Đức và người Đức đều có mong muốn chia sẻ kinh nghiệp của mình ra nước ngoài, nên đã thành lập ra GWP”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Chia sẻ với bên lề hội nghị, ông Hoàn cho biết, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 (tháng 6/2013-tháng 5/2016), Dự án DEVIWAS đang ở giai đoạn 2 (tháng 6/2016-tháng 5/2019). Trong thời gian qua, dự án đã tổ chức được hơn 70 khóa tập huấn và hơn 30 hội thảo chuyên đề về ngành nước và an ninh nguồn nước ở Việt Nam.
Ngoài ra, dự án đã kết nối cho các công ty Đức và Việt Nam hợp tác, chuyên giao công nghệ trong ngành nước, và đã chuyển giao miễn phí 2 phần mềm của Đức về thiết kế và quản lý hệ thống nước thải cho các viện thiết kế và trường đại học của Việt Nam.
Trong thời gian tới, dự án tập trung vào bốn mảng chính.
- Thứ nhất là nâng cao năng lực ngành nước của Việt Nam thông qua hoạt động tư vấn và đào tạo, trong đó tập trung vào đào tạo kỹ năng và chuyên môn tại Việt Nam. Dự án sẽ đưa các chuyên gia Đức đến Việt Nam để đào tạo, đồng thời đưa các cán bộ tiêu biểu của Việt Nam sang Đức để tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
- Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp Đức tiếp tục chuyển giao công nghệ để đưa ra các sản phẩm phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
- Thứ ba, hỗ trợ các công ty Việt Nam đưa ra các đề xuất chính sách phù hợp với ngành nước.
- Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế thông qua các chuyến thăm chia sẻ kinh nghiệm, tham gia hội và triển lãm; mở rộng quan hệ hợp tác với các Bộ, các tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến ngành nước và môi trường.
Ông Nguyễn Đắc Hoàn, Giám đốc Dự án DEVIWAS. Ảnh: Minh Tuấn
Ông Hoàn chia sẻ rằng, trong chuyến đưa đoàn doanh nghiệp và lãnh đạo Việt Nam sang Đức công tác cuối tháng trước, đoàn đã tiếp kiến và làm việc với 4 nhóm đối tác.
Tại buổi tiếp kiến với ông Miguel Berger, Vụ trưởng Vụ Kinh tế và phát triển bền vững thuộc Bộ Ngoại giao Đức, ông Berger cho biết Chính phủ Đức quan tâm đến duy trì sự phát triển quan hệ toàn diện giữa hai nước. Chính phủ Đức sẽ phê chuẩn Hiệp định Tự do thương mại EU-Việt Nam, qua đó tạo điều kiện thông thoáng hơn cho hàng Việt Nam vào Đức và châu Âu và tăng cường giao thương giữa hai nước.
Ngoài ra, Chính phủ Đức sẽ tiếp tục ủng hộ GWP thực hiện các dự án tiếp theo để góp phần vào sự phát triển hạ tầng ngành nước và môi trường ở Việt Nam, ông Berger nhấn mạnh.
MINH TUẤN-BBizLIVE