Cảnh sát Đức tuần trước mở cuộc đột kích bắt 25 người bị tình nghi liên quan đến âm mưu đảo chính gây chấn động đối với một trong những nền dân chủ ổn định nhất châu Âu. Nhiều người trong số những nghi phạm là thành viên phong trào cực hữu Reichsbuerger (Công dân của Đế chế).
Các sĩ quan cảnh sát phong tỏa khu vực truy quét thành viên nhóm cực hữu bị nghi âm mưu đảo chính ở Berlin, Đức, ngày 7/12. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser trong một cuộc phỏng vấn với báo Bild am Sonntag đăng ngày 11/12 cảnh báo Reichsbuerger là mối đe dọa ngày càng lớn đối với đất nước khi tổ chức này đã tuyển mộ thêm được 2.000 người, nâng tổng số thành viên lên 23.000 chỉ trong năm qua.
"Họ không phải những người điên khùng vô hại mà là các đối tượng khủng bố", bà Faeser nói. "Chúng tôi cần mọi thẩm quyền để gây áp lực tối đa" nhằm loại bỏ vũ khí của họ, đó là lý do chính phủ sẽ "thắt chặt hơn nữa luật kiểm soát súng đạn trong tương lai gần", Bộ trưởng Nội vụ Đức cho biết thêm.
Công tố viên cho hay các nghi phạm là những cá nhân có vũ khí và biết cách sử dụng chúng. Họ đã cố gắng chiêu mộ các thành viên là binh sĩ quân đội, cả hiện tại lẫn trước đây, đồng thời tích trữ nhiều vũ khí.
Trước các cuộc đột kích, chính quyền đã tịch thu vũ khí của hơn 1.000 thành viên Reichsbuerger. Tuy nhiên, ít nhất 500 người khác được cho là vẫn có giấy phép sử dụng súng tại một quốc gia mà việc sở hữu súng tư nhân là rất hiếm.
Heinrich XIII (mặc vest) bị bắt tại Frankfurt, Đức, ngày 7/12. Ảnh: AP.
Những nhóm theo phong trào Reichsbuerger không công nhận nhà nước Đức hiện đại, tin vào thuyết âm mưu rằng Đế chế Đức vẫn tồn tại, dù Đức quốc xã đã bị đánh bại trong Thế chiến II.
Nhóm này muốn đưa Heinrich XIII, cựu thành viên hoàng gia, trở thành lãnh đạo nước Đức trong khi một người tên Ruediger trở thành lãnh đạo lực lượng quân đội.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)