Một nghiên cứu chỉ ra rằng năm nay sẽ chứng kiến mức tăng trưởng lớn nhất về mức lương đã điều chỉnh theo lạm phát tại Đức trong hơn 10 năm qua.
Trong khi diễn biến tiền lương ở Đức và khu vực đồng euro đang bị giám sát chặt chẽ khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cân nhắc tốc độ cắt giảm lãi suất, thì việc tăng lương lành mạnh là điều cần thiết để hỗ trợ phục hồi kinh tế sau cú sốc lạm phát.
Tăng lương là điều cần thiết để hỗ trợ phục hồi kinh tế sau cú sốc lạm phát. Nhiếp ảnh gia: Krisztian Bocsi/Bloomberg.
Thorsten Schulten, nhà nghiên cứu tại Quỹ Hans Boeckler, có quan hệ với Liên đoàn Công đoàn Đức, cho biết, mức tăng lương thực tế mạnh mẽ trong năm nay “rõ ràng sẽ bù đắp cho mức giảm lương thực tế lớn vào năm 2021, 2022 và mức giảm nhỏ vào năm 2023”.
Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế Đức (IW), nền kinh tế trì trệ đang ngày càng tác động xấu đến thị trường việc làm nước này, khiến số lượng người thất nghiệp có nguy cơ tăng cao.
Viện IW cho biết số người thất nghiệp ở Đức dự kiến sẽ tăng gần 2,8 triệu người trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2015.
Chuyên gia thị trường lao động Holger Schäfer của Viện IW cho biết trong năm ngoái, thị trường lao động Đức khá ổn định, bất chấp suy thoái kinh tế. Nhưng năm nay, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng được cảm nhận một cách rõ ràng hơn, trong đó có thị trường việc làm.
Theo nghiên cứu của Viện IW, các doanh nghiệp tại Đức không cho thấy bất kỳ sự tăng trưởng việc làm nào trong những tháng còn lại của năm nay. Một số chỉ báo hàng đầu cũng ở mức ảm đạm. Trong tháng 3/2024, số lượng vị trí tuyển dụng mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Nước Đức cũng đang rất thiếu lao động lành nghề để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng thân thiện với khí hậu. Một nghiên cứu của Viện IW và Hiệp hội Kỹ sư Đức (VDI) gần đây cho thấy số lượng vị trí tuyển dụng dành cho kỹ sư trong lĩnh vực cung cấp năng lượng, nước, xử lý chất thải đang ở mức cao, nhưng không dễ để có thể tìm đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu
Nguyễn Điệp (Theo Bloomberg)