Các hành động 'ăn miếng trả miếng' giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là một trong những đợt sóng gió lớn nhất trong quan hệ ngoại giao giữa hai bên từ trước đến nay. 

Nguồn cơn gây sóng gió 

Deniz Yücel – đó là cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong vòng xoáy căng thẳng giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Deniz Yücel, 43 tuổi, mang hai quốc tịch Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắt giữ từ hôm 18/2 sau khi đưa tin về những dữ liệu mà nhóm tin tặc Redhacker lấy được từ hòm thư điện tử của Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak, đồng thời là con rể của Tổng thống Tayyip Erdogan.

Nội dung các bức thư điện tử này nêu rõ kế hoạch nhằm kiểm soát các cơ quan truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và thao túng dư luận thông qua các tài khoản giả trên mạng xã hội.

Với cáo buộc tuyên truyền ủng hộ khủng bố và kích động bạo lực trong công chúng, Deniz Yucel có khả năng phải đối mặt với mức án tới 10 năm 6 tháng tù giam.

Đức - Thổ: Sóng gió sẽ tan? - 0

Foto: DPA/ FOCUS

Deniz Yücel là phóng viên Đức đầu tiên bị bắt giữ trong chiến dịch trấn áp mạnh tay của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ kể từ giữa năm ngoái. 

Vụ bắt giữ Deniz Yücel đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Đức.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel còn cảnh báo mạnh mẽ rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ “tạo ra thách thức lớn nhất trong lịch sử hiện đại giữa hai nước”.

Phía Đức cho rằng việc bắt giữ nhà báo Đức của Thổ Nhĩ Kỳ là hành động vi phạm nhân quyền, tự do dân chủ, là một hành động “không phù hợp của một nhà nước pháp trị”.

Như vậy, đây là lần đầu tiên Đức công khai chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về hành động bắt giữ đối với giới truyền thông. 

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra lý lẽ của mình cho rằng Deniz Yücel không phải là một nhà báo bình thường mà là một điệp viên của Đức, là thành viên của Đảng Công nhân người Kurd đang hoạt động ngoài vòng pháp luật tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Bởi vậy, dù phía Đức mạnh mẽ yêu cầu trả tự do cho Yucel nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa chấp thuận. 

Từ “động khẩu” tới “động thủ”  

Sau những tranh cãi qua lại giữa hai bên liên quan đến vụ bắt giữ nhà báo Deniz Yücel, phía Đức đã có hành động trả đũa bằng việc hủy một loạt các cuộc mít-tinh của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại Đức, mở đầu là thị trấn Gaggenau.

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag sẽ tham gia buổi mít-tinh này và có bài phát biểu trước đám đông để kêu gọi ủng hộ của cử tri đối với việc cải cách hiến pháp, qua đó gia tăng quyền lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. 

Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi diễn ra mít-tinh, chính quyền thị trấn Gaggenau đã rút lại giấy phép – hành động khiến ông Bozdag cực kỳ tức giận và hủy cuộc gặp với người đồng cấp Đức để trở về nước sớm hơn lịch trình.

Sau Gaggenau, phía Đức còn dội thêm cho Thổ Nhĩ Kỳ vài “gáo nước lạnh” nữa khi các địa phương như Cologne, Frechen cũng hủy các cuộc mít-tinh tương tự với sự tham dự của Bộ trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci.

Dù các địa phương của Đức đều viện dẫn lý do an ninh để không cấp phép cho các cuộc mít-tinh, song dư luận đều hiểu rằng nguyên nhân đằng sau động thái này chính là vụ bắt giữ nhà báo Đức của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. 

Với khoảng 1,4 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại Đức, các cuộc mít-tinh tại Đức được cho là có ý nghĩa rất lớn với chính quyền của Tổng thống Erdogan trước thềm cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp vào tháng 4 tới.

Điều này phần nào lý giải thái độ giận dữ hiếm có của Tổng thống Erdogan khi nặng lời chỉ trích hành động của phía Đức “không khác gì hành động của Phát xít Đức”.

Dù trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, song dường như những gì được trao đổi vẫn chưa đủ tháo gỡ khúc mắc giữa hai bên. 

Không để “già néo đứt dây”

Sau cuộc điện đàm không hiệu quả giữa Thủ tướng hai nước, dự kiến vào ngày mai (8/3), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel sẽ gặp nhau tại Đức.

Dù chưa bên nào tỏ ý nhượng bộ trong vụ việc này, song việc hai bên nhanh chóng tiến hành các cuộc gặp và điện đàm cấp cao cho thấy kéo dài tình huống căng thẳng hiện nay không phải là mong muốn của cả hai bên. 

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Đức hiện là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Không những vậy, Đức sẽ còn là nhân tố cực kỳ quan trọng có tác động tới sự thành – bại của Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu.

Bởi vậy, Tổng thống Tayyip Erdogan chắc chắn đủ khôn ngoan và không để quan hệ song phương vượt khỏi tầm kiểm soát.

Ngược lại, Đức cũng đang phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ trong hàng loạt vấn đề, nổi bật nhất là kiểm soát dòng người di cư từ Trung Đông vào châu Âu.

Bài toán di cư hiện là thách thức lớn nhất của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong quá trình vận động tranh cử nhiệm kỳ 4.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ phá vỡ cam kết giữa nước này với châu Âu trước đó về việc giữ chân dòng người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, đây thực sự là một “cơn ác mộng” với cá nhân bà Angela Merkel, với nước Đức cũng như với châu Âu.

Bởi vậy, dù sóng gió hiện nay có lớn, song giới phân tích cho rằng sự ràng buộc mật thiết về lợi ích giữa hai nước sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ và Đức phải nhanh chóng tìm cách hóa giải và đưa trở về quỹ đạo ban đầu. 

Nguồn: Thúy Ngọc
Báo Nghệ An




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC