Lần đầu tiên từ thời hậu chiến, hơn một nửa dự trữ vàng của Đức ở nước ngoài đã được đưa về nước. Đức từng giải thích rằng quyết định là để có thể tiếp cận vàng càng nhanh càng tốt, có thể bán một cách nhanh chóng khi cần.
Ảnh: Bundesbank/dpa
Đức mang vàng về nước vì lo sợ tương lai?
Tuy nhiên, các quan chức Ngân hàng Trung ương Đức sau này lại tuyên bố rằng họ không định bán vàng lấy tiền. Từ đó, một giả thiết mới đã xuất hiện.
Từ trước tới nay, Đức chỉ giữ 31% lượng vàng trên lãnh thổ, số còn lại được gửi ở nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ, Anh và Pháp.
Ngân hàng Trung ương Đức mới đây thông báo chuyển xong số vàng trị giá 31 tỷ USD khỏi các kho ở New York và Paris. Trước đó, Đức quyết định chuyển vàng về Frankfurt từ năm 2013. 100 tấn vàng cuối cùng đã được khỏi Paris đầu năm 2017.
Tổng cộng, 743 tấn vàng đã được chuyển đi. Dự án chuyển vàng về nước đã hoàn thành trước dự kiến ba năm.
Theo kênh CNN (Mỹ), trước đó, Ngân hàng Trung ương Đức cho biết mục đích chuyển vàng về nước là để giúp xây dựng “lòng tin” người dân. Nhưng đây cũng là một dấu hiệu cho thấy thời thế đã thay đổi: Người Đức không còn phải lo ngăn chặn dự trữ vàng rơi vào tay Liên Xô – vốn là một lo ngại có thật thời Chiến tranh Lạnh.
Ngoài ra, Đức cũng không cần giữ vàng ở Paris để “phòng thân”, tức là để có thể nhanh chóng chuyển đổi sang tiền tệ quốc tế trong trường hợp khẩn cấp. Cả Pháp và Đức đều dùng đồng euro.
Thời Chiến tranh Thế giới thứ hai, Đức dần dần xây dựng lại kho dự trữ vàng đã bị tiêu hao nhiều. Khi nền kinh tế mạnh lên, Đức chuyển đồng USD có được nhờ bán hàng xuất khẩu sang vàng và cất trữ vàng ở các kho nước ngoài.
Lo sợ Liên Xô chiếm đóng nên Đức đã giữ vàng ở nước ngoài kể cả sau khi giá trị đồng USD không gắn với giá trị vàng.
Trong những năm gần đây, tin đồn và thuyết âm mưu liên quan tới dự trữ vàng ở nước ngoài đã xuất hiện ở Đức. Một số nhà quan sát cực đoan nghi ngờ liệu số vàng này đã mất hay bị tổn hại.
Vấn đề cuối cùng cũng khiến giới chính trị phải lưu tâm. Tòa án Liên bang kiểm toán Đức đã đề nghị điều tra về dự trữ vàng ở nước ngoài năm 2012.
Ngân hàng Trung ương Đức đã giải thích rằng hàng năm đều nhận được thông tin cập nhật từ các ngân hàng trung ương nước ngoài về vị trí số vàng. Ngân hàng cho biết uy tín và an ninh của những kho giữ vàng ở nước ngoài này “không thể chê vào đâu được”.
Ngân hàng khẳng định đã sử dụng các biện pháp xác minh để đảm bảo vàng không bị đánh cắp hoặc tổn hại.
Tuy nhiên, năm sau đó, Ngân hàng Trung ương Đức thông báo sẽ đưa một lượng lớn vàng về nước. Dư luận coi quyết định này như “sét đánh ngang tai”.
Quyết định của Ngân hàng Trung ương Đức bị nhiều người coi là là ảnh hưởng tới nền tảng đã được thiết lập suốt vài thập kỷ qua.
Đức từng giải thích rằng quyết định là để có thể tiếp cận vàng càng nhanh càng tốt, có thể bán một cách nhanh chóng khi cần. Tuy nhiên, các quan chức Ngân hàng Trung ương Đức sau này lại tuyên bố rằng không định bán vàng lấy tiền.
Từ đó, một giả thiết được đài Sputnik (Nga) đưa ra là:
Một trong những giả thiết phổ biến nhất giải thích cho quyết định đột ngột mang vàng về nước là Đức đang cân nhắc từ bỏ đồng euro và trở lại với đồng tiền của mình.
Trong trường hợp này, theo các chuyên gia, vàng sẽ rất có ích: Nó có thể giúp bình ổn tiền tệ mới, bảo vệ tiền khỏi giới đầu cơ và giúp bình ổn thị trường.
Vàng là một phương tiện rất phổ biến để người dân và nhà đầu tư tiết kiệm. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến giá trị vàng tăng gấp bốn.
Phần lớn dự trữ trong các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển đều được đầu tư vào vàng.
Các chuyên gia cho rằng Đức chuyển vàng về nước cho thấy hệ thống kinh tế toàn cầu còn lâu mới ổn định.
Kinh tế Trung Quốc trỗi dậy, các vấn đề kinh tế, tài chính kinh niên ở Liên minh châu Âu, thương mại thế giới tăng trưởng chậm, xu hướng chỉ trích toàn cầu hóa, sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu và ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ đã khiến giới đầu tư lo ngại.
Họ ngày càng quay sang các giá trị kinh tế truyền thống mà tính bền vững đã được thời gian chứng minh. Và khó có thứ gì có thể đáng tin hơn vàng./.
Nguồn: Thùy Dương - Báo Tin Tức TTXVN