Tin mới về dự trữ khí đốt của Đức được phát ngôn viên của Bộ Kinh tế và Khí hậu Đức nêu trong cuộc họp báo ngày 9.2. Người phát ngôn nói rằng, chính phủ Đức đang “theo dõi tình hình các mức lưu trữ và điều đó chắc chắn là đáng lo ngại”.
Dự trữ khí đốt của Đức đã giảm xuống 35-36% so với mức 40% gần đây. Dự trữ khí đốt của Đức từng ở mức 80% vào năm 2020.
Đức nhập hơn 55% lượng khí đốt từ Nga và con số này đã tăng 15% kể từ năm 2012.
Đến nay, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố “nguồn cung đã được đảm bảo” và không có nguy cơ thiếu hụt dù ngày càng có nhiều lo ngại trong nước rằng không đủ khí đốt qua mùa đông.
Viện kinh tế DIW có trụ sở tại Berlin cảnh báo hồi tháng Giêng rằng, “nếu xung đột ở Ukraina leo thang và Nga ngừng cung cấp một cách hiệu quả cho Đức, chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí đốt mới. Do đó, giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng và cùng với đó là tăng chi phí cho người tiêu dùng và nền kinh tế nói chung”.
Hiện nay, vận chuyển khí đốt từ Nga đến Châu Âu phần lớn đều đi qua Ukraina, đảm bảo doanh thu và một số phương thức an ninh cho Kiev.
Tuy nhiên, đường ống Nord Stream 2 nhằm cung cấp khí đốt từ Nga cho Đức qua Biển Baltic, do đó bỏ qua Ukraina. Kiev và Washington đều chỉ trích đường ống dẫn khí đốt này, cho rằng Nord Stream 2 gây tổn hại tới an ninh của Ukraina.
Đường ống Nord Stream 2 hoàn thành mùa hè năm 2021 nhưng cơ quan quản lý Đức hoãn chứng nhận, yêu cầu công ty vận hành đoạn đường ống ở Đức phải đặt trụ sở tại Đức.
Đầu tuần này, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Scholz ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo, nếu Nga xâm lược Ukraina, thì “sẽ không còn Nord Steam 2 nữa”.
Euro News cho hay, lạm phát trên toàn khu vực đồng euro đã tăng vọt trong những tháng gần đây lên mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, chủ yếu do chi phí năng lượng tăng mạnh.
Theo Eurostat, giá năng lượng tại 19 quốc gia sử dụng đồng euro trong tháng Giêng cao hơn 28,6% so với một năm trước đó.
Nguồn: laodong.vn