Đoạn video cho thấy những bộ quần áo còn mới nguyên đang bị đem đi tiêu hủy, khiến dư luận dậy sóng. Việc làm này cũng trái với luật pháp Đức.
Ảnh minh họa
Cô Viola Wohlgemuth – Đại diện Tổ chức Hòa bình Xanh tại Đức cho biết: “Việc tiêu hủy những mặt hàng mới, tiêu tốn tài nguyên là không thể chấp nhận được trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu như hiện nay. Các nguồn tài nguyên quý giá đã và đang được dùng để sản xuất quần áo. Một bộ quần áo sẽ phải tiếp xúc với khoảng 3.000 loại hóa chất khác nhau trong quá trình sản xuất, một chiếc áo sơ mi trắng, đơn giản làm từ sợi cotton cần tới 2.700 lít nước – đó là lượng nước mà một người có thể uống trong 2,5 năm”.
Vấn đề mà các nhà bán lẻ trực tuyến gặp phải, đó là rất nhiều sản phẩm bị gửi trả lại. Chỉ tính riêng tại Đức, mỗi năm có khoảng 20 triệu sản phẩm tồn kho bị đem đi tiêu hủy. Nhưng không chỉ riêng các công ty thương mại trực tuyến gặp phải vấn đề này.
Theo GS. Bjoern Asdecker – Trường Đại học Bamberg, Đức: “Các cửa hàng truyền thống vẫn có doanh số bán hàng cao hơn các cửa hàng bán lẻ trực tuyến. Tình trạng hàng bị gửi trả cũng ít hơn tại các của hàng truyền thống, nhưng đổi lại, lượng hàng tồn kho của họ là rất lớn”.
Hàng tồn kho có thể được đem đi làm từ thiện, chấp nhận bán lỗ, giữ lại hoặc đem đi tái chế. Các nhà bán lẻ thường chuyển giao công việc này cho các công ty khác. Vì vậy, không phải lúc nào cũng dễ dàng biết được điều gì thực sự xảy ra với số hàng này. Trong khi chỉ mãi đến năm ngoái, Đức mới bổ sung luật trong đó nêu rõ, việc tiêu hủy hàng hóa mới hoặc gần như mới là bất hợp pháp. Tuy nhiên, liệu luật mới này có thực sự được tuân thủ?
“Luật này chỉ áp dụng đối với các nhà bán lẻ và nhà sản xuất, nhưng lại không bao gồm tất cả các nền tảng trung gian chẳng hạn như các công ty xử lý quần áo lỗi mốt. Vì vậy, luật pháp vẫn còn nhiều lỗ hổng”, GS. Bjoern Asdecker nói.
Nguồn: VTV