Đức đang đàm phán với Iraq về khả năng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ quốc gia giàu dầu mỏ này nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng vốn đang trong tình trạng thiếu hụt sau khi Nga cắt giảm khí đốt liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.

1 Duc Tim Cach Da Dang Hoa Nguon Cung Nang Luong Sau Khi Nga Cat Giam Khi Dot

Một cơ sở lọc dầu tại Baiji, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Iraq Mohammed Shia al-Sudani đang ở thăm Đức, Thủ tướng Olaf Scholz, mặc dù không cho biết chi tiết về khối lượng khí đốt mà Đức hy vọng sẽ nhập khẩu từ Iraq, nhưng khẳng định: “Chúng tôi cũng đã thảo luận về khả năng cung cấp khí đốt cho Đức và đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ với nhau”.

Về phần mình, ông al-Sudani cho rằng Baghdad đã tạo cơ hội cho các công ty Đức đầu tư vào lĩnh vực khí đốt tự nhiên của Iraq cũng như khí đốt được tạo ra như một sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất dầu mỏ. Theo ông al-Sudani, Iraq muốn vận chuyển khí đốt thông qua một đường ống chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu.

Trong khi đó, Thủ tướng Iraq muốn thảo luận với nhà lãnh đạo quốc gia đầu tàu châu Âu Olaf Scholz về các dự án nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện triền miên tại Iraq. Cơ quan báo chí của Thủ tướng Iraq cho biết Thủ tướng Mohammad Shia al-Sudani dự kiến sẽ ký biên bản ghi nhớ với công ty Siemens Energy của Đức nhằm mở đường cho việc phục hồi và bảo trì lưới điện của Iraq. Theo cơ quan trên, đây là kế hoạch đầy hứa hẹn để phát triển ngành điện, theo đó thúc đẩy sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Là quốc gia nhiều giàu mỏ, song cơ sở hạ tầng của Iraq đổ nát sau nhiều năm xung đột và nước này phụ thuộc vào nước láng giềng Iran để đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng. Theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), tình trạng mất điện thường xuyên kéo dài từ 4 đến 10 giờ đồng hồ mỗi ngày, khiến 42 triệu dân Iraq gặp rất nhiều khó khăn.

Chính phủ Iraq đang tìm cách đa dạng hóa nguồn nguồn cung điện. Tháng trước, Thủ tướng Sudani cũng đã gặp người đồng cấp Italy Giorgia Meloni ở Baghdad, kêu gọi thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng.

Phương Hoa (TTXVN)

Nguồn: baotintuc.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC