Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã triệu tập cuộc họp khẩn trong ngày 26/6, với lãnh đạo các đảng trong chính phủ liên minh, nhằm tránh cho Chính phủ liên minh tan vỡ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Quartz
Cuộc họp giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với lãnh đạo các đảng Xã hội cơ đốc giáo – CSU và Dân chủ xã hội – SPD diễn ra trong ngày 26/6 tại thủ đô Berlin với mục đích chính là tìm được tiếng nói chung nhằm tránh cho Chính phủ liên minh hiện nay tại Đức đổ vỡ.
Tâm điểm của cuộc họp là về tối hậu thư 15 ngày mà đảng CSU đưa ra cho bà Merkel tuần trước, là nếu không tìm được giải pháp ngăn chặn làn sóng tị nạn đổ về Đức thì đến ngày 1/7 tới, CSU có thể sẽ rút khỏi liên minh.
Tuy nhiên, phát biểu trong buổi tiếp Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng tại Berlin trong ngày 26/6, bà Merkel đã thông báo rằng trong vấn đề tị nạn, Liên minh Châu Âu đang có 7 khúc mắc cần giải quyết và 5 trong số đó đã có thể đạt được thoả thuận.
Chỉ còn 2 chi tiết mà các nước Châu Âu chưa thể thống nhất, là quy trình xử lý đơn tị nạn và việc thay đổi “quy định Dublin”.
Hiện tại, kết quả các cuộc thăm dò dư luận tại Đức cho thấy, bà Merkel nhận được nhiều sự ủng hộ trong mâu thuẫn hiện nay với đảng Liên minh CSU, khi tỷ lệ ủng hộ CSU giảm so với trước kia.
Thậm chí ngay trong nội bộ cử tri CSU, bà Merkel vẫn giành được 61% sự ủng hộ so với 56% dành cho Chủ tịch đảng này ở bang Bavaria là ông Markus Söder.
Ngoài ra, bà Andrea Nahles, Chủ tịch Đảng SPD, đảng thứ 3 trong liên minh, cũng ủng hộ bà Merkel khi cho rằng quan điểm của ông Horst Seehofer, Bộ trưởng Nội vụ và cũng là thủ lĩnh CSU, là “nguy hiểm cho Châu Âu”.
Dự kiến, bà Merkel sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề tị nạn với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Donald Tusk vào sáng 28/6, trước khi lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu tại Brussels.
Nguồn: Quang Dũng
VOV