Biển đại hạ giá trong một cửa hàng ở Berlin, Đức, tháng 1.2023. Ảnh: Xinhua
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chuẩn bị một sáng kiến nhằm tái cơ cấu nền kinh tế để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và thực thi việc phân phối lại tiền trong nước - hãng tin RND trích dẫn một dự thảo đề xuất chính sách kinh tế cho đại hội đảng SPD vào tháng 12 tới.
Theo RND, đảng cầm quyền muốn cải cách các quy định bằng cách áp đặt một khoản “thuế khủng hoảng” tạm thời lên những người có thu nhập cao nhất đất nước bên cạnh những khoản họ đã nộp.
Đồng thời, SPD có kế hoạch cải cách các quy định về thuế thừa kế và quà tặng, để những người siêu giàu, tỉ phú và triệu phú đóng góp nhiều hơn những người có thu nhập thấp hơn. Động thái này dự kiến sẽ cắt giảm thuế cho 95% dân số nhưng vẫn thúc đẩy nguồn thu từ thuế mà SPD đưa ra để đầu tư vào giáo dục.
SPD cũng đề xuất thành lập một quỹ nhà nước để kích hoạt vốn tư nhân và tạo ra khối lượng đầu tư hàng năm là 100 tỉ euro.
Hơn nữa, đảng đang kêu gọi cải cách “phanh nợ”. Cơ chế hạn chế nợ công này có nghĩa là đất nước không thể gánh các khoản nợ trị giá hơn 0,35% GDP hàng năm, nhưng cho phép có ngoại lệ trong các tình huống khủng hoảng.
“Phanh nợ” bị đình chỉ trong đại dịch COVID-19, nhưng sau đó đã được khôi phục khi dịch bệnh được ngăn chặn.
Đảng SPD muốn sửa đổi hệ thống phanh nợ này, vì ở dạng hiện tại, nó “làm chậm sự thay đổi cần thiết”. Đảng này tin rằng việc cải cách cơ chế sẽ cho phép đầu tư bổ sung vào cơ sở hạ tầng, bảo vệ khí hậu, số hóa và giáo dục.
Trong số các biện pháp được đề xuất khác là tăng mức lương tối thiểu, đưa ra quy định giảm giờ làm việc mà không bị mất lương và cắt giảm giá năng lượng bằng cách đưa ra “giá điện công nghiệp”.
Cuối cùng, thông qua các biện pháp được đề xuất, SPD muốn đảm bảo tạo ra 1 triệu việc làm mới ở Đức vào năm 2030. Dự thảo đề xuất này có thể được đưa vào chiến dịch bầu cử năm 2025 của SPD.
“Đức đã trở nên quá phức tạp, quá đắt đỏ, quá chậm trong nhiều lĩnh vực” - dự thảo viết.
Nền kinh tế Đức đã suy yếu trong nhiều tháng nay. Đức chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý I năm 2023 trong bối cảnh lạm phát tăng cao, lãi suất cao hơn và những thách thức trong lĩnh vực sản xuất do chi phí năng lượng cao hơn. Quý II chứng kiến mức tăng trưởng khiêm tốn 0,1%, trong khi quý III tăng trưởng giảm 0,1%.
Tháng trước, Giám đốc điều hành Deutsche Bank Christian Stitch cảnh báo rằng nền kinh tế Đức có nguy cơ một lần nữa được gọi là “Người bệnh của châu Âu”, giống như vào cuối những năm 1990, nếu Berlin không vượt qua cải cách cơ cấu.