Phi đội Panavia Tornado ngày càng lỗi thời buộc Đức phải tính toán lại việc triển khai vũ khí hạt nhân. (Ảnh: Airplane pictures)
Theo cây bút Loren Thompson của tờ The Forbes, trong trường hợp lực lượng Mỹ thiếu các đơn vị không quân cần thiết để triển khai một cuộc tấn công hạt thì không quân Đức sẽ gánh lấy trách nhiệm này nếu nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện giữa NATO và Nga.
Hiện tại, Mỹ vẫn duy trì số lượng đáng kể các đơn vị vũ khí hạt nhân chiến thuật tại căn cứ không quân Büchel. Số vũ khí này được xem như phương án dự phòng trong trường hợp xảy ra đối đầu hạt nhân với Moskva ở châu Âu.
Vai trò của các đơn vị vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu càng thể hiện tầm quan trọng khi căng thẳng ở Ukraine đang đẩy liên minh quân sự NATO và Nga vào một cuộc đối đầu quân sự mới kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Vị trí các kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ ở Tây Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó căn cứ Büchel ở Đức đóng vai trò trung tâm.
Dù vậy, một số nhà phê bình phương Tây lại cho rằng chính sách đối đầu có phần kiềm chế của Berlin đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine cho thấy Đức không sẵn sàng lao vào một cuộc chiến với Nga.
Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz cũng có những cái khó riêng nếu quá theo đuổi việc mở rộng quân đội. Không phải ai ở châu Âu cũng muốn nước Đức trở thành một siêu cường quân sự.
Công bằng mà nói những đóng góp của Đức dành cho NATO không hề kém cạnh so với Mỹ, Anh hoặc Pháp. Điều này thể hiện rõ qua việc Berlin sẵn sàng đồng ý cho Mỹ đặt kho vũ khí hạt nhân ở Đức, kể cả việc thay Washington thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân khi cần thiết. Ước tính có đến 1/5 số vũ khí hạt nhân của Mỹ ở tây Âu đang được đặt ở Đức.
Theo kịch bản được xây dựng trước đây, trong trường hợp bất trắc phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân, phi đội chiến đấu cơ Panavia Tornado của không quân Đức sẽ có nhiệm vụ triển khai những quả bom hạt nhân chiến thuật B61 tấn công mục tiêu định trước dưới sự chỉ huy của người Mỹ.
Sứ mệnh trên tạo ra không ít những ý kiến trái chiều tại cả Đức và Mỹ. Dù vậy Berlin vẫn cam kết tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này dựa trên đề nghị từ Washington.
Đức cần tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet
So với việc gửi vũ khí cho Ukraine hay sử dụng đường ống Nord Stream 2 như một quân cờ mặc cả, vai trò hạt nhân của Đức được đánh giá mang yếu tố quyết định giúp châu Âu ngăn chặn một cuộc tấn công từ Nga.
Thế nhưng, Đức khó có thể tiếp tục sứ mệnh này trong tương lại khi phi đội Tornado của nước này dần trở nên lỗi thời và không còn phù hợp với nhiệm vụ triển khai một cuộc tấn công hạt nhân.
Do đó, từ đầu năm 2020, Berlin đã gửi một đề nghị đến Washington rằng họ muốn mua ít nhất 30 chiếc tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet và 15 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler từ Mỹ. Số chiến đấu cơ này sẽ giúp không quân Đức tiếp tục duy trì khả năng tấn công hạt nhân trong tương lai.
Cụ thể, phi đội F/A-18E/F sẽ thay thế Tornado trong vai trò triển khai vũ khí hạt nhân vào năm 2030, còn EA-18G sẽ hỗ trợ “đồng đội” vô hiệu hóa hệ thống phòng không của đối phương khi cuộc tấn công diễn ra.
Trong những cái tên không quân Đức đề xuất, F/A-18E/F và EA-18G được đánh giá là phù hợp nhất khi chúng được thiết kế cho một nhiệm vụ như vậy, trong khi các yêu cầu về kỹ thuật, hậu cần đi kèm không quá lớn.
Ngoài Tornado, không quân Đức còn sở hữu một mẫu tiêm kích khác có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân là Eurofighter Typhoon với các tính năng hoạt động tương tự, nhưng sẽ mất quá nhiều thời gian để tái trang bị và kiểm chứng chúng đảm nhiệm vai trò hạt nhân của Tornado.
Về phía Mỹ cũng cho rằng F/A-18E/F có thể sẵn sàng cho nhiệm vụ duy trì “nắm đấm” của không quân Đức ngay lập tức, trong khi đó Typhoon sẽ cần đến từ 3-5 năm để kiểm chứng.
Dự kiến những chiếc F/A-18E/F có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân đầu tiên sẽ sẵn sàng được giao cho không quân Đức vào năm 2026.
Tiêm kích F/A-18E/F của hải quân Mỹ. (Ảnh: Sputnik)
Việc Đức quyết định mua F/A-18E/F và EA-18G đã khiến nhiều chuyên gia quân sự ngạc nhiên khi tiêm kích tàng hình F-35 bị loại khỏi danh sách ứng viên, điều này về cơ bản xuất phát từ ngân sách quốc phòng hạn chế của Đức. Việc mua số lượng lớn chiến đấu cơ thế hệ 5 sẽ rất tốn kém, chưa kể chí phí vận hành.
Bên cạnh đó ngành công nghiệp hàng không châu Âu dự định phát triển máy bay chiến thuật thế hệ tiếp theo vào những năm 2030, các châu Âu cho rằng việc Đức mua F-35 từ Mỹ sẽ không có lợi cho dự án này.
Do đó, F/A-18E/F trở thành giải pháp tốt nhất cho thách thức duy trì sứ mệnh hạt nhân mà không làm suy yếu sự thống nhất của châu Âu về một chương trình đấu cơ tiên tiến trong tương lai.
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS - VTC.VN