Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)
Nhiệt độ trung bình hằng năm ở Đức cao hơn 1,7 độ C so với thời điểm nước này bắt đầu thống kê số liệu về thời tiết năm 1881.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu không kiểm soát được tình trạng biến đổi khí hậu, những hậu quả khôn lường sẽ xảy ra.
Báo cáo hằng năm của Cơ quan Dự báo thời tiết Đức (DWD) công bố ngày 30/12 cho biết mặc dù chưa có số liệu thống kê cuối cùng nhưng năm 2022 có thể là năm nóng nhất được ghi nhận cho đến nay.
Theo DWD, sau khi thu thập được tất cả dữ liệu cuối cùng từ các trạm quan trắc trên cả nước vào tháng 1/2023, cơ quan này mới khẳng định chắc chắn năm 2022 có nóng hơn năm 2018, thời điểm ghi nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục hay không.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là trong năm 2022, nhiệt độ trung bình ở Đức ấm hơn 1,7 độ C (3,06 độ F) so với mức nhiệt độ trung bình ghi nhận kể từ khi bắt đầu thống kê năm 1881.
Chuyên gia hàng đầu về khí hậu và môi trường của DWD Tobias Fuchs cho biết: “Nhiệt độ kỷ lục trong năm 2022 sẽ là động lực mới để tất cả chúng ta chuyển từ lời nói sang hành động bảo vệ khí hậu."
Theo ông, cho đến nay chúng ta “vẫn chưa kiểm soát để ngăn chặn hiệu quả khí thải gây hiệu ứng nhà kính” và “sự nóng lên toàn cầu đang gần như mất kiểm soát."
Năm 2022 ghi nhận kỷ lục về lượng nắng ở Đức với trung bình 2.025 giờ, nhiều hơn 20% so với năm 2021.
Hầu hết các đợt nắng diễn ra vào mùa Hè khô hạn bất thường. Trong khi đó, lượng mưa trong năm 2022 lại ít hơn 15% so với mức trung bình từ năm 1961-1990. Vì thế, năm 2022 được coi là năm có hiện tượng thời tiết rất bất thường.
Các tháng khô ấm kéo dài từ tháng Ba đến tháng Tám, trong khi tháng Hai và tháng Chín lại có lượng mưa nhiều hơn bình thường.
Sau tháng Chín với tiết trời Thu khá rõ nét, sang tháng 10, nhiệt độ lại đột ngột tăng lên và đạt mức trung bình cao thứ hai, sau tháng 10 nóng nhất ghi nhận vào năm 2001.
Các nhà khoa học cảnh báo các hiện tượng thời tiết khó lường liên quan đến biến đổi khí hậu do con người gây ra có thể tàn phá mùa màng và các hệ sinh thái, gây hậu quả thảm khốc cho nhân loại./.
Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)