Đức tuyên bố bất ngờ về hạt nhân khi Nga phẫn nộ_0

Hãng Sputnik ngày 29/9 dẫn lời Đại sứ Đức tại Nga Rudiger von Fritsch cho biết, Mỹ sẽ chỉ thay thế các bộ phận cũ trên các vũ khí hạt nhân hiện tại ở Đức bằng những bộ phận mới, chứ không triển khai các vũ khí mới.

Đại sứ von Fritsch phát biểu trong một cuộc họp báo: "Không có gì là mới ở đây, không có chất lượng hay sự mở rộng mới nào, chúng tôi đang nói về thực tế rằng các bộ phận đã được thay thế khi thời hạn sử dụng đã hết hạn. Công việc này chỉ có mục tiêu là duy trì sự an toàn bằng việc đảm bảo những vũ khí này luôn ở trong điều kiện an toàn và tôi cho rằng, điều này là vì lợi ích của tất cả mọi người”.

Trước khi Đại sứ Đức đưa ra tuyên bố này, tờ Tiêu điểm (Đức) ngày 21/9 tuyên bố, Quân đội Mỹ và Đức đã bắt đầu các hoạt động lắp đặt hệ thống bom nguyên tử B61-12 của Mỹ tại căn cứ không quân Buechel ở bang Rheinland-Pfalz của Đức.

Ngay khi thông tin được công khai, các quan chức quốc phòng Đức đã lên tiếng xác nhận về kế hoạch của Mỹ và nước chủ nhà. Theo tiết lộ của tờ Tiêu điểm, dự kiến sẽ có 20 quả bom B61-12, loại bom nguyên tử chiến thuật thế hệ mới của Mỹ, được lắp đặt tại căn cứ Buechel.

Số bom này có sức công phá tương đương với 80 quả bom đã từng được ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ II.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các máy bay cường kích của Đức sẽ được phép sử dụng số bom này trong khuôn khổ một chiến lược chung của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mang tên "Can dự hạt nhân".

Thông tin Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tại Đức đã làm cho mối quan hệ vốn đã "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa phương Tây và Nga thêm căng thẳng và Moscow đã đưa những phản ứng được cho là cứng rắn nhất của mình.

Theo đó, Nga sẽ đáp trả việc Mỹ triển khai bom hạt nhân ở Đức bằng "hàng rào hùng mạnh phòng thủ trên không" và sức mạnh tấn công chiến lược. Thông tin này được hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời TSKH quân sự Konstantin Sivkov, Chủ tịch Học viện Các vấn đề địa chính trị Nga cho biết.

Theo ông này, động thái của phía Mỹ không phải cái gì mới mẻ và bất ngờ, bởi cách đây hai năm Mỹ cũng đã thông qua chương trình về hiện đại hóa không quân chiến thuật của năm quốc gia NATO phi hạt nhân, với mục đích cấp cho họ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, và kế hoạch như vậy sẽ hoàn thành, tức là "triển khai đầy đủ", vào năm 2018.

"Cách duy nhất chúng ta có thể đáp trả một cách hiện thực, là tái trang bị cho "Iskander" các đầu đạn hạt nhân; chuẩn bị đủ cơ số tên lửa dành cho máy bay tầm xa của không quân chiến lược; nâng cấp hiện đại hóa các máy bay Tu-22M3 của chúng ta bằng lắp đặt tên lửa hành trình tầm xa lớn X-555, các tên lửa tương tự "Granat" trên biển".

"Bằng cách như vậy, Nga có thể sẽ tạo ra sự "đe dọa hạt nhân" qui mô", chuyên viên khoa học quân sự cao cấp Sivkov nói với hãng RIA Novosti.

"Và chúng ta cũng có thể tăng các nhóm tên lửa phòng không trên biên giới phía Tây, vì người Mỹ sẽ sử dụng bom nguyên tử với phi cơ chiến thuật, mà nếu ta xây dựng hàng rào vững mạnh từ các phương tiện phòng không hiện đại, thì đơn giản là họ sẽ không thể chọc thủng hàng rào để đạt mục tiêu", ông Sivkov nói và nhấn mạnh rằng "mọi thứ còn lại chỉ là những phát ngôn trống rỗng".

Trước thông điệp rõ ràng và cứng rắn của Nga, Đại sứ Đức tại Nga Rudiger von Fritsch tuyên bố rằng Mỹ chỉ thay thế các bộ phận vũ khí hạt nhân cũ tại Đức và hoàn toàn không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân mới nào tại Đức của Mỹ.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), hiện nay vũ khí hạt nhân chiến thuật được Mỹ triển khai tại Bỉ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Hà Lan.

SIPRI dẫn nguồn từ các Trung tâm Kiểm soát vũ khí và nhóm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân ước tính, hiện có khoảng 500 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai tại các nước đó. Tuy nhiên, toàn bộ thông tin về số vũ khí này luôn được Mỹ giữ kín.

Thùy Dung

 


 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC