Ngày 26/9, tòa án Đức bắt đầu xét xử giáo sỹ cực đoan Abu Walaa, người được cho là thủ lĩnh trên thực tế của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Đức, với cáo buộc đã kích động cực đoan hóa những người trẻ tuổi và điều hành một mạng lưới thánh chiến liên quan tới vụ tấn công Chợ Giáng sinh ở Berlin năm 2016.
Walla, người Iraq, sinh năm 1984, có biệt danh “nhà truyền giáo giấu mặt,” bị bắt vào tháng 11/2016 do nghi ngờ là nhân vật trung tâm của một mạng mới tuyển dụng của IS tại Đức.
Đối tượng được đưa ra xét xử tại toàn án thành phố Celle, miền Bắc nước Đức, cùng 4 đồng phạm bị cáo buộc ủng hộ IS.
Trong nội dung bản cáo trạng, các công tố viên buộc tội 5 đối tượng trên tạo nên mạng lưới thánh chiến Salafi trên lãnh thổ Đức, trong đó Walaa giữ vai trò cầm đầu với tư cách là đại diện của IS tại Đức. Mục tiêu của mạng lưới này là chiêu mộ chiến binh cho IS và đưa tới Syria và Iraq.
Kể từ khi đến Đức năm 2001, Walaa bị nghi có liên quan tới một số vụ tấn công khủng bố có tính chất thánh chiến tại Đức. Đối tượng này đã xây dựng và biến cơ sở hoạt động tại thị trấn Hildesheim, miền Bắc nước Đức, thành địa điểm tổ chức các hoạt động Hồi giáo cực đoan, tự soạn thảo và truyền giảng các nội dung cực đoan tại đền thờ Hồi giáo DIK, kêu gọi thánh chiến khi tham gia các buổi nói chuyện trên khắp nước Đức.
Đáng chú ý, Walaa thường xuyên truyền giảng tại một nhà thờ Hồi giáo ở Berlin với sự tham gia của Anis Amri, đối tượng đã lái xe tải lao vào chợ Giáng Sinh tháng 12/2016 làm 12 người chết.
Vụ xét xử nêu trên diễn ra trong điều kiện an ninh được thắt chặt và dự kiến sẽ kết thúc vào đầu năm 2018. Theo báo chí Đức, vụ xét xử thu hút được sự quan tâm của dư luận và nếu bị buộc tội, Walaa sẽ phải mức lĩnh án tù lên tới 10 năm.
Cơ quan an ninh Đức cho biết hiện có khoảng 10.300 người Hồi giáo cực đoan đang cư trú trong lãnh thổ Đức, cao hơn rất nhiều so với con số 3.800 người vào năm 2011, trong đó có khoảng 700 đối tượng nằm trong diện nguy hiểm, có khả năng tiến hành các vụ tấn công bạo lực.
TTXVN