Tổng thổng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đánh tiếng nhắc nhở châu Âu đối xử tử tế sau khi vụ đánh bom kinh hoàng tại Brussels, Bỉ.

 

Thổ Nhĩ Kỳ chê châu Âu thiếu năng lực...

Ngày 25/3, phát biểu tại thị trấn Sorgun ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cáo buộc giới chức Bỉ đã tỏ ra mềm mỏng trước những nhóm phiến quân, đồng thời cho rằng họ phải chịu trách nhiệm vì thất bại tình báo dẫn tới các vụ tấn công ở thủ đô Brussels do các thành viên của tổ chức IS gây ra.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Ankara cũng cho rằng giới chức nhiều nước châu Âu đã cho thấy họ "không đủ năng lực" sau khi Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất tên Ibrahim El Bakraoui, một trong những kẻ tham gia tấn công sân bay Zaventem, song Brussels đã trả tự do cho tên này.

"Đó là những chính phủ không đủ năng lực.

Chúng tôi đã bắt giữ tên đó ở Gaziantep và trục xuất hắn. Tuy nhiên, họ đã không thực hiện các biện pháp cần thiết vả trả tự do cho hắn", Tổng thống Erdogan nhấn mạnh.

Erdogan nhắc châu Âu tử tế? - 0

Thổ Nhĩ Kỳ chê châu Âu thiếu năng lực

Theo nhà lãnh đạo Ankara, hồi tháng 6/2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã trục xuất Ibrahim El Bakraoui về Hà Lan và gửi cảnh báo tới Bỉ về khả năng tên này là một tay súng nước ngoài tới Syria tham chiến.

Tuy nhiên, sau đó Ibrahim El Bakraoui đã được Bỉ trả tự do sau khi giới chức nước này không phát hiện được các bằng chứng liên quan.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon cũng đã lên tiếng chỉ trích cảnh sát nước này không làm tròn trách nhiệm liên quan đến Ibrahim El Bakraoui.

"Có ai đó đã cẩu thả và không chủ động giải quyết vấn đề một cách thích đáng", ông Jan Jambon chỉ rõ.

Tuyên bố này được ông Jan Jambon đưa ra sau khi đệ đơn từ chức vì không ngăn chặn được vụ đánh bom ở Brussels.

Thổ Nhĩ Kỳ nhắc châu Âu tử tế?

Giới phân tích cho rằng tuyên bố của nhà lãnh đạo Ankara không chỉ đơn thuần là những lời chỉ trích. Đằng sau những lời lẽ có phần cay nghiệt đó dường như là lời nhắc nhở châu Âu về cách đối xử với chính quyền nước này.

Nếu vẫn nhận được thái độ thờ ơ và tệ bạc từ châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không lấy gì làm đảm bảo về làn sóng di cư sẽ không tràn qua các nước này từ biên giới Ankara. Nếu như điều đó xảy ra thì chắc chắn sẽ là nỗi ám ảnh lớn hơn nữa với các nước trong khối EU.

Thực tế hiện nay, vấn đề khủng hoảng người di cư đang trở thành một mâu thuẫn lớn trong nội bộ các nước thuộc Liên minh EU.

Hồi tháng 3 vừa qua nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn tiếp tục tràn sang châu Âu, tuyến đường tại khu vực Balkan đã bị đóng cửa ngày 9/3 sau quyết định của Slovenia không để người di cư vượt qua biên giới lãnh thổ.

Erdogan nhắc châu Âu tử tế? - 1

Theo các số liệu thống kê, trong vòng 4 tháng trở lại đây, mỗi tuần Liên minh châu Âu phải tiếp nhận khoảng 25.000 – 30.000 người tị nạn tràn vào châu Âu, phần đông trong số này là vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ lên đất Hy Lạp hoặc đi theo tuyến đường Balkan.

Và một trong những biện pháp mà EU hướng tới để giải quyết vấn đề này đó là bắt tay với chính quyền Erdogan.

Tại cuộc gặp diễn ra hôm 18/3,các lãnh đạo Liên minh châu Âu đã thống nhất lập trường chung để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ ngăn chặn cuộc khủng hoảng di cư.

Cụ thể, EU đã nhất trí sẽ có một số nhượng bộ về tài chính và chính trị với Ankara nếu nước này ngăn được dòng người tị nạn tìm cách vào Hy Lạp.

Theo thỏa thuận, chính quyền Erdogan sẽ tiếp nhận lại toàn bộ người di cư tới các đảo của Hy Lạp bằng cách vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Đổi lại, cứ mỗi người tị nạn Syria được trả từ Hy Lạp về Ankara, EU sẽ tái định cư một người trực tiếp từ các trại ở Thổ Nhĩ Kỳ và tăng hỗ trợ tài chính cho những người tị nạn ở nước này.

Đồng thời, EU sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán về kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như xem xét chương trình miễn thị thực cho công dân nước này du lịch tới các nước EU.

Tuy nhiên trên thực tế, số người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp vẫn không ngừng gia tăng bất chấp việc EU và Ankara vừa đạt được thỏa thuận giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.

Các số liệu thống kê nhanh cho biết chỉ trong đêm 19/3, có ít nhất 875 người di cư đã tới các đảo của Hy Lạp.

Ngày 20/3, có tới 15 chiếc thuyền không đủ điều kiện an toàn chở mỗi chiếc hàng chục người di cư cập đảo Lesbos.

Trong bối cảnh bị nhiều nước thuộc liên minh châu Âu lên án, chỉ trích vì những toan tính động binh tại Syria, chính quyền Erdogan dường như đang muốn chiêu bài người tị nản châu Âu để mặc cả và tìm cách lấy thêm những đặc quyền đặc lợi.

Tuấn Hùng (Tổng hợp)

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC