Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Đại diện cấp cao về đối ngoại EU Josep Borrell gặp nhau tại Kiev (Ảnh: Reuters).
Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về đối ngoại của EU, cho biết khối liên minh gồm 27 quốc gia vẫn cam kết hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga. "Tôi không thấy bất kỳ quốc gia thành viên nào chùn bước," ông nói.
Tuyên bố của ông Borrell một lần nữa khẳng định cam kết trước đó của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về việc Slovakia và Ba Lan sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ukraine trong cuộc chiến với Nga, bất chấp những thay đổi chính trị tại cả hai quốc gia trong thời gian gần đây.
Ông Borrell nói thêm rằng, EU đã đề xuất một gói viện trợ quân sự trị giá 5 tỷ euro cho Ukraine. Theo đó, các nước EU sẽ hỗ trợ đào tạo 40.000 binh sĩ và cung cấp "huấn luyện đặc biệt" cho các phi công chiến đấu của lực lượng vũ trang Ukraine, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các công ty quốc phòng hai bên.
Phát biểu trên được đưa ra ngay sau khi các ngoại trưởng EU có cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev ngày 2/10. Bên cạnh các cuộc họp tại Liên Hợp Quốc, đây là lần đầu tiên các nhà ngoại giao EU nhóm họp bên ngoài lãnh thổ EU, đồng thời cũng là lần đầu tiên hội nghị không chính thức diễn ra ở vùng chiến sự.
Hứa hẹn hỗ trợ mới của EU phần nào làm yên lòng chính phủ Ukraine sau những khó khăn ngoại giao liên tiếp trong thời gian gần đây, đặc biệt là khi các điều khoản viện trợ dành cho Ukraine bị loại khỏi luật ngân sách mới của chính phủ Mỹ. Trong khi đó, ở Slovakia, một đảng thân Nga đã chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử mới nhất.
Bình luận về luật mới của chính phủ Mỹ, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Kiev tin rằng sẽ có những giải pháp cần thiết được thực thi trong tương lai, bởi cuộc xung đột không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới Ukraine mà còn gây ra tình trạng mất ổn định trên toàn thế giới. Còn với cuộc bầu cử tại Slovakia, ông nhận định rằng còn quá sớm để nói về tác động của nó tới tình hình ở Ukraine hiện tại.
Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu trong cuộc họp với các Ngoại trưởng EU (Ảnh: Reuters).
Tại cuộc họp, Tổng thống Ukraine Zelensky chia sẻ với các Ngoại trưởng EU rằng khả năng đối phó Nga phụ thuộc trực tiếp vào sự hợp tác giữa Ukraine và các nước đồng minh. Hai bên càng thực hiện được nhiều những bước đi mạnh mẽ và nguyên tắc thì cuộc chiến này sẽ kết thúc càng sớm.
Tới nay, Hà Lan và Đan Mạch đã cam kết cung cấp máy bay phản lực F-16 cho Ukraine. Bên cạnh đó, Ukraine cũng đang chờ đợi tên lửa hành trình tầm xa Taurus từ Đức và tên lửa ATACMS từ Mỹ, những cam kết được đưa ra từ trước đó nhưng chưa chính thức được thực thi.
Các nhà ngoại giao EU cũng tán thành kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Zelensky nhằm kêu gọi Nga rút quân, trả lại nguyên vẹn các đường biên giới của Ukraine vào năm 1991.
Tháng 11 tới, EU sẽ công bố báo cáo chính thức đầu tiên về những tiến bộ trong cải cách mà Ukraine đã đạt được cho đến nay, bao gồm độc lập hóa hệ thống tư pháp và truyền thông, xóa bỏ sự độc tài chính trị và đề cao các dân tộc thiểu số tại Ukraine.
Tố Uyên
Theo Guardian
Nguồn: Báo điện tử Dân trí