Trên đời không có gì là cho không, muốn bóc bánh thì phải trả tiền. Đạo lý này hầu như ai cũng hiểu, kể cả các nhà lãnh đạo liên minh Châu Âu (EU). Tuy nhiên, có vẻ như quan điểm này đang làm mất đi tôn chỉ chung của nhóm là đem lại sự thịnh vượng và tự do cho các thành viên.
Trong một bài phát biểu ngày 5/7 tại cuộc họp của Liên minh Châu Âu (EU), chính trị gia cánh hữu Nigel Farage, người ủng hộ Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua đã có một bài phát biểu sau chiến thắng của Brexit.
Như thường lệ, vị chính trị gia này có những lời châm chọc với mối quan hệ Anh-EU. Dẫu vậy, ông Farage có một ý kiến khá quan trọng về việc Anh rời EU.
“Tại sao chúng ta không trưởng thành hơn, thực dụng, hợp lý và thực tế hơn. Hãy xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa chúng ta (Anh-EU) và Anh sẽ trở thành những người bạn của các bạn (EU), thậm chí chúng ta có thể trở thành những người bạn thân nhất trên thế giới”, ông Farage nói.
Câu nói này cũng như cả bài phát biểu của ông Farage nhận được thái độ nhạo báng rõ ràng từ phía các nghị viên Châu Âu. Mặc dù thái độ tiêu cực này một phần đến từ chính những lời châm chọc trước đó nhưng chúng không thể phủ nhận một thực tế rằng EU không chỉ là một liên minh đơn thuần tìm kiếm tự do về thương mại mà còn bao hàm sự kiểm soát về chính trị lẫn kinh tế. Nói cách khác, các hiệp định tự do thương mại chỉ là phần thưởng đi kèm cho những tham vọng chính trị của EU.
Ông Nigel Farage
Quan điểm này được khẳng định bởi những lời bình luận của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker vào tháng 5/2016 khi ông nói rằng “những kẻ phản bội sẽ không được chào đón trở lại với vòng tay rộng mở.”
Thậm chí trong ngày 4/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rằng những cuộc thỏa thuận của EU sẽ không có chỗ cho sự vụ lợi vô trách nhiệm. Theo bà Merkel, một quốc gia muốn làm thành viên của gia đình EU và một nước ngoài nhóm phải cón sự khác biệt. Nói cách khác, một nước quyết định rời EU sẽ không thể có những lợi ích tương đương các thành viên ở lại.
Những lời phất biểu của các quan chức Châu Âu có vẻ hơi bất thường khi coi việc rời bỏ EU để độc lập về chính trị, tài chính và xã hội là “phản bội”.
Rõ ràng, việc mong muốn đất nước độc lập, tự do nhưng vẫn muốn tham gia vào các hiệp định thương mại với các nền kinh tế khác là nhu cầu chính đáng của người dân Anh và đây không có vẻ gì là “sự vụ lợi vô trách nhiệm”.
Theo lý thuyết, một hiệp định tự do thương mại chỉ được coi là tự so khi không đòi hỏi quá nhiều điều kiện khác bên ngoài thương mại. Như vậy, việc một nước có phải thành viên trong nhóm liên minh nào đó hay không chẳng liên quan gì đến việc hưởng các lợi ích của tự do thương mại cũng như mong muốn được nâng cao đời sống của người dân.
Dẫu vậy, quan điểm này có vẻ không được các chính trị gia Châu Âu chào đón. Thậm chí, giới truyền thông và nhiều chuyên gia cũng bị mờ mắt trước sự “phản bội” của Anh khi họ cho rằng lợi ích của các hiệp định tự do thương mại là đặc quyền của những thành viên trong EU.
Một số học giả cho rằng sự kiện Brexit như một vụ ly hôn trong gia đình EU với nhiều cảm xúc. Trên thực tế, chính những nhà lãnh đạo như ông Juncker hay bà Merkel đều nói về EU như một gia đình và các thành viên đều phải có nghĩa vụ và lợi ích đi kèm.
Phải chăng, vụ ly hôn Anh-EU đã khiến chính trị gia cả 2 bên bị ảnh hưởng bởi các cảm xúc khác nhau mà quên đi mất mục tiêu chung là nâng cao đời sống kinh tế người dân Châu Âu cũng như đem lại sự thịnh vượng cho toàn khối?
Có lẽ các nhà lãnh đạo Châu Âu nên xem xét lại một lần nữa sự tự nguyện của các thành viên khi gia nhập EU và xây dựng khối như một liên minh của những đối tác để theo đuổi mục đích chung hơn là kiềm chế, kiểm soát lẫn nhau và thậm chí tẩy chay nhau khi một thành viên muốn “ly hôn”.
Hoàng Nam, Theo Trí Thức Trẻ