Theo EU, các doanh nghiệp nước khác sẽ bị "trừng phạt" nếu họ kiện các doanh nghiệp Trung Quốc đang "ăn cắp" sở hữu trí tuệ của mình ra tòa nước ngoài. Nhiều công ty vì muốn yên ổn đã ngậm bồ hòn làm ngọt.

1 Eu Kien Trung Quoc Choi Tro Bop Co Bop Hong Doanh Nghiep Nuoc Ngoai

Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis - Ảnh: REUTERS

Ngày 18-2, Liên minh châu Âu (EU) đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), yêu cầu tổ chức này phân xử cách hành xử của Trung Quốc với doanh nghiệp nước ngoài.

Theo EU, Bắc Kinh đang sử dụng các tòa án và hệ thống pháp luật trong nước để đe dọa, ngăn các công ty nước ngoài kiện những công ty Trung Quốc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của họ ra tòa ngoài Trung Quốc.

Các công ty như Sharp, Ericsson và Nokia đã bị đe dọa phạt 130.000 euro (148.000 USD) mỗi ngày hoặc đối diện cáo buộc hình sự nếu không tuân thủ cái gọi là "lệnh chống kiện" của Trung Quốc.

Giám đốc điều hành những công ty này tại Trung Quốc có thể bị bỏ tù nếu vụ việc hình sự hóa, theo đơn kiện của EU nêu ra. Khoản tiền phạt đáng kể cũng ngăn các doanh nghiệp bị xâm phạm sở hữu trí tuệ tìm kiếm công lý ở nước ngoài.

Những công ty Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, ZTE và Oppo cùng nhiều doanh nghiệp khác đã lợi dụng điều này để sử dụng không phép các công nghệ của nước ngoài hoặc mua với giá rẻ, theo báo South China Morning Post.

Các quan chức EU cho biết họ đã nêu vấn đề này với Trung Quốc tại WTO, trên phương diện song phương và tại nhiều diễn đàn pháp lý khác, nhưng không nhận được phản hồi thỏa đáng từ Bắc Kinh.

Động thái của EU đánh dấu một chương mới trong căng thẳng thương mại giữa khối này và Trung Quốc, vốn đã tồn tại nhiều vấn đề căng thẳng khác.

"Các công ty EU có quyền tìm kiếm công lý khi công nghệ của họ bị sử dụng một cách bất hợp pháp. Đó là lý do tại sao ngày hôm nay chúng tôi tham vấn WTO", Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm cao ủy phụ trách thương mại của EU - ông Valdis Dombrovskis - nhấn mạnh trong thông cáo ngày 18-2.

Các cuộc "tham vấn" do EU mở đường là bước đầu tiên trong thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO. Nếu các cuộc tham vấn này thất bại trong vòng 60 ngày, EU có thể yêu cầu thành lập một ban hội thẩm để đưa ra phán quyết về vấn đề này, theo Hãng tin AFP.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC