Châu Âu đang rà soát cách thức bảo vệ người tiêu dùng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm tàng đến từ bước leo thang quân sự ở Ukraine.

Trao đổi với tờ Financial Times (FT), giới chức ngoại giao cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về các biện pháp dự phòng để ứng phó với nguy cơ giá khí đốt tăng vọt, nguy cơ khủng hoảng di cư và tấn công mạng có thể nổ ra nếu Nga đẩy mạnh can dự ở Ukraine.

1 Eu Len Ke Hoach Du Phong Cho Kich Ban Nga Cat Nguon Cung Khi Dot

Ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch khẩn cấp của EU là xử lý điểm nghẽn liên quan đến khả năng Moskva giảm cung ứng khí đốt, trong bối cảnh Nga hiện là nhà cung cấp lớn nhất của EU, chiếm đến 43% lượng khí đốt nhập khẩu của khối.

Trả lời phỏng vấn tờ FT cuối tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU cần sẵn sàng cho bất cứ kịch bản nào của Nga ở Ukraine, mà một phần quan trọng phải tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế.

EC đang rà soát cách thức có thể can thiệp tạm thời để làm suy yếu mối liên hệ cùng pha giữa giá khí đốt cao kỉ lục với giá bán buôn điện trong EU trong trường hợp nổ ra một cuộc khủng hoảng khí đốt – một giải pháp mà giới chức EU mới chỉ vài tháng trước đây đã lên tiếng bác bỏ giữa thời điểm giá bán điện tăng vọt.

Giá năng lượng tại châu Âu đã tăng lên ngưỡng kỉ lục từ thời điểm cuối năm 2021, chủ yếu xuất phát từ lo sợ Nga sẽ hạn chế, đóng nguồn cung ứng khí đốt trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột quy mô ở Ukaine. Kế hoạch hành động khẩn cấp về năng lượng dự kiến được đệ trình tới lãnh đạo các nước EU trong tháng tới. Nhưng nếu tình hình diễn biến phức tạp, EU có thể sẽ triệu tập kỳ hội nghị thượng đỉnh đặc biệt để thảo luận, thông qua biện pháp ứng phó.

Giới chức EU cho biết biện pháp ngắn hạn mà khối có thể triển khai là tìm kiếm bảo đảm nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) từ các nước xuất khẩu lớn. EU gần đây đã mở các chiến dịch ngoại giao nhằm tiếp cận các nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới như Mỹ, Azerbaijan hay Qatar nhằm có được nguồn cung năng lượng bổ sung. Ưu tiên của EU hiện nay là tìm ra cách thức thiết lập thị trường năng lượng theo hướng bền vững, hoạt động theo cách tối ưu nhất.

Ủy viên cấp cao phụ trách vấn đề năng lượng của EU, bà Kadri Simson, ngày 4/2 đã có chuyến thăm tới Baku. Trong thảo luận, giới lãnh đạo Azerbaijan khẳng định sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ EU trong trường hợp xảy ra đứt gãy nguồn cung khí đốt. Bà Simson ngày 7/2 cũng có các cuộc trao đổi trong tuần này với giới chức hữu quan của Mỹ về khả năng cung cấp LNG cho EU.

Cuộc chiến giữa EU với Gazprom

Gazprom là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU. Thực tế này xuất phát từ việc luật pháp Nga quy định chỉ Gazprom là đầu mối được phép vận hành các tuyến đường ống xuất khẩu khí đốt. Tập đoàn này đã duy trì địa vị nhà cung ứng khí số một tại EU trong nhiều thập kỉ qua, chiếm 43% lượng khí đốt nhập khẩu của khối.

Nhưng trong nội bộ EU, thị phần khí đốt Nga lại có sự khác biệt giữa từng quốc gia thành viên. Trong 10 năm qua, EU rất nỗ lực trong thiết lập một thị trường khí đốt tương đối thống nhất trong khối, khi đề ra những quy định luật mà theo đó buộc Gazprom chỉ cấp khí đốt tới các khu vực biên giới ngoài và từ đây các thành viên trong EU có thể trao đổi với nhau.

Đơn cử, Đức là khách hàng lớn nhất của Nga, với 55% lượng khí đốt nhập khẩu là từ Gazprom. Đức có thể mua khí của Nga, rồi sau đó bán lại cho Ba Lan hoặc Ukraine. Nhưng với Gazprom, ông lớn khí đốt của Nga lại ưu tiên ký kết các hợp đồng trực tiếp với người mua, để qua đó tăng tính lệ thuộc của nước nhập khẩu.

2 Eu Len Ke Hoach Du Phong Cho Kich Ban Nga Cat Nguon Cung Khi Dot

Cơ sở cất trữ khí đốt của Gazprom đặt tại Rehden thuộc bang Hạ Saxony, Đức. Ảnh: DW

“Xuất hiện một hình thức cạnh tranh giữa các nhà làm luật của châu Âu, những người đang tìm cách tạo dựng một thị trường khí đốt có mức giá thống nhất, với Gazprom, một đơn vị muốn tìm cách thiết lập mức giá xuất khẩu khác nhau với từng nước châu Âu”, Georg Zachmann, chuyên gia của hãng tư vấn Bruegel có trụ sở ở Brussels, Bỉ, nhận định.

Gazprom khẳng định rằng họ đã tôn trọng tất cả các cam kết cung cấp dài hạn. Nhưng Zachmann cho rằng công ty thực sự đang cung cấp ít khí đốt hơn cho thị trường với các hợp đồng ngắn hạn. Theo chuyên gia này, thị trường ngắn hạn ngày càng trở nên quan trọng trong những năm gần đây vì có nỗ lực để trở nên ít phụ thuộc hơn vào Gazprom về lâu dài.

Gazprom có ​​cổ phần trong các nhà cung cấp năng lượng địa phương và khu vực ở hầu hết các quốc gia EU. Ví dụ, ở Đức, công ty con Astora sở hữu cơ sở dự trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất ở Tây Âu. Tọa lạc tại Rehden ở bang Hạ Saxony, cơ sở này hoạt động như một vùng đệm khi có những biến động về cung và cầu.

Chủ tịch EC Von der Leyen cho rằng Gazprom đang hành xử theo cách kỳ lạ, khi không tăng lượng cung khí đốt cho châu Âu giữa thời điểm được giá vì nhu cầu nhập khẩu cao. Việc Gazprom là công ty thuộc sở hữu nhà nước tại Nga cũng gây ra một số quan ngại về mức độ tin cậy trong tách bạch giữa hoạt động kinh tế và những tính toán chính trị.

EU hiện đang xem xét việc xây dựng các nguồn dự trữ như vậy và đóng vai trò là một bên mua chung khí đốt thay vì đơn lẻ như trước đây. Nhưng đây cũng là chiến lược mà Gazprom đang tìm cách ngăn chặn, thông qua việc thu hút các nước thành viên riêng lẻ trong EU. Hungary vừa ký hợp đồng độc quyền với Gazprom và sẽ nhận được những ưu đãi về giá.

Hoài Thanh

Nguồn: Báo Tin tức (Theo FT, DW)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC