Các biện pháp trên bao gồm cung cấp và mua sắm nguyên liệu, cũng như thực hiện các biện pháp đối phó y tế liên quan đến khủng hoảng, kích hoạt các cơ sở công nghiệp dành riêng để sản xuất vaccine và phương pháp điều trị, thành lập ủy ban khủng hoảng y tế với các quốc gia thành viên và tạo ra các cơ chế giám sát nhanh chóng.
Theo Ủy viên y tế và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides, HERA là cơ quan trung tâm của một liên minh y tế châu Âu mạnh mẽ có thể đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe. HERA phải hoạt động hết công suất nhanh nhất có thể, thỏa thuận chính trị mà Hội đồng châu Âu đạt được là một bước quan trọng theo hướng đó.
Thỏa thuận chính trị về quyền hạn khủng hoảng của HERA bổ sung một công cụ mới vào hộp công cụ của cơ quan này, biến nó thành tháp canh và lá chắn của EU chống lại các mối đe dọa về sức khỏe trong tương lai. Thỏa thuận sẽ đảm bảo HERA có thể hoạt động nhanh chóng trong thời kỳ khủng hoảng, để châu Âu có thể đi trước đón đầu và có trang thiết bị y tế cần thiết ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế và bảo vệ công dân khỏi các mối đe dọa sức khỏe trong tương lai.
Ủy viên Stella Kyriakides nhấn mạnh đại dịch COVID-19 hiện nay đã nêu bật vai trò quyết định của sự phối hợp và hợp tác của EU trong suốt từng giai đoạn, từ ứng phó với khủng hoảng đến phục hồi. Dựa trên bài học quan trọng này, EU cần đảm bảo có các công cụ và quyền hạn phù hợp để ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Ủy viên châu Âu phụ trách Y tế Stella Kyriakides. Ảnh: AFP/TTXVN
COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh rằng không một quốc gia nào có thể một mình giải quyết tất cả những thách thức liên quan đến các mối đe dọa về sức khỏe xuyên biên giới. Việc chuẩn bị sẵn sàng cần phải trở thành một phần của phương pháp tiếp cận chính sách y tế của châu Âu. An ninh y tế phải trở thành một nỗ lực chung của châu Âu đối với các quốc gia thành viên.
HERA là biểu tượng của sự thay đổi mô hình mà EU đã đạt được trong 2 năm qua trong chính sách y tế của mình.
Hương Giang
Nguồn: TTXVN