Một khi Trung Quốc được trao quy chế kinh tế thị trường, các nước không dễ dàng trừng phạt khi nước này chơi không công bằng.

Trung Quốc chưa đủ điều kiện

Liên quan đến thông tin Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc trao quy chế kinh tế thị trường (MES) cho Trung Quốc theo đề nghị của nước này, Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, điều này có thể xuất phát từ việc EU nhận thấy sức hấp dẫn của một thị trường rộng lớn như Trung Quốc cũng như sự gắn bó về mặt lợi ích giữa khối này với Trung Quốc là rất nhiều. Đặc biệt, trong EU dường như đang có sự cạnh tranh giữa Anh với các quốc gia thành viên khác để tiến dần đến quan hệ với Trung Quốc bởi thực tế lợi ích giữa Anh và Trung Quốc hiện nay rất lớn.

"Trung Quốc muốn châu Âu trao quy chế kinh tế thị trường cho nước này để hàng hóa Trung Quốc có thể xâm nhập dễ dàng vào khối này, thậm chí từ đây Trung Quốc sẽ quay sang ép các nước khác. Điều này rất quan trọng với Trung Quốc bởi khi ấy, dẫu Trung Quốc có chơi không công bằng thì các nước cũng không dễ dàng áp đặt trừng phạt hay rào cản thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc. Đây là một lợi thế lớn của Trung Quốc.Trong khi đó, Trung Quốc hiểu rõ triết lý ai nắm thị trường người đó có quyền lực, họ có thị trường rộng lớn, trong khi nền kinh tế Anh không thuộc dạng năng động, họ rất cần thị trường lớn để ổn định kinh tế. Bởi thế, nghiễm nhiên trong bang giao kinh tế, Anh sẽ phải nới lỏng các điều kiện để đổi lại Trung Quốc dễ dãi cho doanh nghiệp Anh vào thị trường của mình.

EU mở toang cửa chào mời Trung Quốc: Mỹ mất bảo bối? - 0

Có đi thì có lại, một khi EU trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc thì đổi lại, Trung Quốc cũng phải mở cửa cho EU. Còn người Mỹ quan niệm, mọi thứ phải theo chuẩn, thị trường phải cho đúng thị trường, được hay thua phải công khai, minh bạch chứ không thể mặc cả. Đây chính là lý do khiến Mỹ ngăn cản trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc", ông Sơn chỉ rõ. 

Cũng theo vị chuyên gia, để được công nhận là nền kinh tế thị trường, phải đảm bảo 3 điểm quan trọng nhất:

Thứ nhất, Nhà nước không được can thiệp có tính chất mệnh lệnh hành chính vào nền kinh tế; 

Thứ hai, Ngân hàng Trung ương phải rõ ràng, minh bạch các chính sách về tỷ giá và lãi suất mà không được can thiệp;

Thứ ba, khu vực DNNN đúng ra phải tư nhân hóa, nhưng nếu còn thì phải đối xử công bằng với các khu vực tư nhân và nước ngoài. 

Xét từng điều kiện, chưa thể công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Nhà nước Trung Quốc vẫn can thiệp nhiều, thậm chí theo quan điểm khắt khe của người Mỹ, Trung Quốc vẫn còn hành động thao túng thị trường.

Ví dụ, trong vấn đề tỷ giá, Nhà nước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn can thiệp mạnh mẽ; chứng khoán lên xuống là chuyện của thị trường nhưng Chính phủ Trung Quốc lại cấm cổ đông lớn bán chứng khoán ra thị trường mà không có lý do thương mại nào cả, đơn giản chỉ là không có giao dịch nữa. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo và bơm vốn cho một số đơn vị mua vào cổ phiếu, gây hỗn loạn thị trường. Ở Trung Quốc, khối doanh nghiệp nhà nước được hưởng quá nhiều lợi lộc về đất đai, vốn, thuận lợi về pháp lý trong khi tư nhân lại phải tuân thủ luật...", Ths Bùi Ngọc Sơn phân tích.

Siêu cường theo cách nào?

Ths Bùi Ngọc Sơn nhận định, chừng nào chưa công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường thực thụ thì EU và Mỹ vẫn còn nắm giữ một "bảo bối" trong quan hệ với Trung Quốc để ép Bắc Kinh phải chơi cho công bằng. Tuy nhiên, nếu EU trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc sẽ đẩy Mỹ vào thế khó xử, việc áp đặt rào cản cho Trung Quốc nếu nước này phạm luật rất khó bởi EU không thể theo được nữa. Hơn nữa, nó sẽ không còn sức ép để ép Trung Quốc phải cải tổ theo hướng của thị trường, để có được sân chơi công bằng với các nước khác. Một khi Trung Quốc đã lợi dụng được điều này, họ sẽ vẫn cứ tiếp tục lối chơi khiến các nước thiệt thòi.

Ông Sơn khẳng định, bất kỳ quốc gia nào cũng muốn trở thành siêu cường và bản thân Trung Quốc đã là một siêu cường nhưng vấn đề là siêu cường theo cách nào? Nếu theo cách của Trung Quốc - chơi không công bằng và gây thiệt hại cho nước khác - thì không thể chấp nhận được.  

"Nếu Trung Quốc muốn thay thế Mỹ ở vị trí là người dẫn dắt luật chơi thì sẽ khó bởi với lối chơi thiếu công bằng, minh bạch của Trung Quốc, không ai có thể theo được. Trung Quốc cứ một mình một luật chơi và theo kiểu chỉ bênh "người nhà" còn lại "sống chết mặc bay" thì không được.

Trong khi đó, với Mỹ, một khi đã phạm vào luật thì bất kể ai, cơ quan nào cũng bị xử lý, dù đó là CIA hay Bộ Quốc phòng... Nga và Trung Quốc đã lợi dụng chính điều này của Mỹ để đập lại chính quyền Washington trong vụ Snowden. Bởi thế, Trung Quốc có thể hơn Mỹ về tiền bạc nhưng để thành người dẫn dắt thì còn lâu", Ths Bùi Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Thành Luân




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC