Theo kết quả thăm dò, từ năm 1991 đến nay, tỉ lệ dân Đức sợ lạm phát đã tăng mạnh từ 34% lên 76% cho dù tỉ lệ tăng giá ở quốc gia châu Âu này đã giảm từ 5% xuống gần 0%. Nguyên nhân chính của nỗi sợ hãi này là ký ức về một cuộc siêu lạm phát từng xảy ra vào đầu thế kỷ 20.
1 USD đổi… 4,2 nghìn tỷ mác!
Các nhân chứng của sự việc nói trên chẳng còn nhiều nhưng mỗi gia đình người Đức, từ thế hệ này sang thế hệ khác, vẫn truyền tai nhau câu chuyện về người họ hàng này đã tự sát vì bị phá sản, về người họ hàng kia phải đem đồ gia bảo đổi lấy một bao tải khoai tây…
Tháng 8/1923, nhà văn kiêm chủ nhà xuất bản Maximilian Bern ở Béclin vào ngân hàng rút hết tiền tiết kiệm và được 100.000 mác - đủ để mua... 1 chiếc vé tàu điện ngầm. Về đến nhà, ông đóng chặt cửa căn hộ của mình và về sau, người ta phát hiện ra ông đã chết đói...
Năm 1923, đồng tiền Đức có mệnh giá lớn nhất là tờ... 100.000 tỷ mác. Đó là thời kỳ hậu Thế Chiến I (1914 – 1918) mà Đức là nước bại trận. Đức trước đó đã vay nợ rất nhiều với hy vọng sẽ trả lại sau khi giành thắng lợi. Nhưng kết cục là Đức phải cho máy in tiền hoạt động hết công suất.
Sau cuộc cải cách tiền tệ năm 1923 đồng mác cũ được bán như giấy vụn. |
Vào tháng 10/1921, đồng mác mất giá 100 lần so với tháng 8/1914 và đến tháng 10/1922 là 1.000 lần. Một tem thư vào tháng 1/1918 có giá 15 xu thì đến tháng 10/1922 là 6 mác, tháng 1/1923 là 50 mác, tháng 6/1923 là 100 mác và tháng 8/1923 là 1.000 mác.
Sau đó thì giá cả thay đổi từng ngày, từng giờ. Đến ngày 7/9/1923 muốn gửi một bức thư thì phải trả 75.000 mác, ngày 3/10 là 2 triệu mác, ngày 11/10 là 5 triệu mác và ngày 3/11 là 100 triệu mác! Vào ngày 15/11/ 1923 để đổi 1 USD người ta phải trả 4,2 nghìn tỷ mác.
Nông dân diện… áo lông thú
Trong những năm đầu thập niên 1920, tại các chợ ở Đức, chẳng người bán hàng nào chịu nhận những đồng tiền giấy đang mất giá từng giờ. Người ta đổi hàng tiêu dùng, đồ gỗ, đồ trang sức… lấy lương thực, thực phẩm.
Nông dân giàu lên trong thoáng chốc nhờ cuộc siêu lạm phát. Nhà văn Oskar Maria Graf đã miêu tả cuộc sống nông thôn thời đó như sau: “Trong mỗi ngôi nhà của nông dân có máy quay đĩa, đàn piano, thảm Ba Tư, đồ ăn bằng bạc, máy chụp ảnh, nhẫn đính kim cương, vòng vàng và áo lông thú. Bọn trẻ nhà quê diện những chiếc áo lụa chạy nhảy trên sân”.
Nhóm người thứ hai có lợi từ vụ siêu lạm phát là các chủ sở hữu bất động sản đã mua nhà, mua đất bằng tiền vay ngân hàng. Họ có cơ hội trả nợ chỉ trong “nháy mắt”. Nhưng những người gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng thì kiệt quệ như trường hợp của nhà văn Maximilian Bern.
Ngày 15/11/1923, Chính phủ Gustav Stresemann đã tiến hành cuộc cải cách tiền tệ - 4,2 nghìn tỷ mác cũ đổi lấy 1 mác mới. Cuộc siêu lạm phát bị chặn đứng.
Xã hội giàu có già nua
Ngoài lý do lịch sử và tâm lý thì trong nỗi sợ hãi của người Đức trước nạn lạm phát cũng có những nguyên nhân hoàn toàn khách quan. Thứ nhất là cơ cấu dân số của xã hội Đức và tuổi thọ tăng. Năm 1970 có 30% người Dức dưới 20 tuổi và chỉ có 20% trên 60 tuổi. Năm 2010, tỷ lệ dân số trẻ giảm còn 18% trong khi tỉ lệ người già tăng lên 26,2%.
Theo dự báo, đến giữa thế kỷ 21, tỉ lệ người Đức trên 60 tuổi tăng lên gần 40% và số người 80 tuổi trở lên sẽ tăng từ 4 triệu hiện nay lên 10 triệu vào năm 2050.
Xã hội càng già nua thì nỗi sợ lạm phát càng lớn bởi những người về hưu không thể làm lại từ đầu khi bị tước đoạt hết số tiền họ dành dụm cả đời, khác với lớp trẻ. Hiện tại trung bình mỗi người Đức có xấp xỉ 60.000 euro gửi ngân hàng.
Một nguyên do nữa khiến người Đức sợ lạm phát hơn sợ tà chính là khoản tiền tiết kiệm. Đến cuối năm 2010 tổng số tiền công dân Đức gửi tiết kiệm tăng 220 tỷ euro và đạt mức kỷ lục là 4.670 tỷ euro.
Tính theo đầu người thì mỗi công dân Đức có 59.900 euro “lận lưng”. Một phần đáng kể số tiền đó – 38% được người Đức gửi vào sổ tiết kiệm và các tài khoản ngắn hạn. Chỉ có 28% đổ vào trái phiếu, cổ phiếu và cổ phần trong các quỹ đầu tư. Số còn lại là đầu tư vào các khoản bảo hiểm. Người Đức về hưu rất sợ sẽ có ngày số tiền gần 60.000 euro chỉ đủ mua một vé tàu điện ngầm như năm 1923!
Theo Weutsche Welle.