Hai thái cực qua lá phiếu của người Đức

Châu Âu đã theo dõi kết quả bầu cử ở Đức với tiếng thở phào kèm theo tiếng tặc lưỡi. Có chuyện gì vậy?

Không khí tại Đại sứ quán Đức ở Brussels (Bỉ) lúc 17h chiều 24-9 như một bữa tiệc mừng năm mới.

Dường như tất cả người Đức đều đổ về sứ quán trong thời khắc này để theo dõi kết quả của cuộc bầu cử được đánh giá không chỉ quan trọng với nước Đức mà còn cho cả châu Âu.

Với Liên minh châu Âu (EU), sự tiếp nối các chính sách hiện tại của Đức rất quan trọng để khối này có thể tiếp tục vượt qua hàng loạt thách thức sống còn: khủng bố, khủng hoảng nhập cư, quan hệ với Nga, hay sự suy yếu trong sức mạnh kinh tế tổng thể của liên minh.

Và đằng sau đó, không thể không nhắc tới nỗi lo lắng của phần lớn những người Đức mà tôi có dịp nói chuyện: sự trỗi dậy của đảng cực hữu Sự lựa chọn thay thế vì nước Đức - AfD.

Hai thái cực qua lá phiếu của người Đức - 0

Người trẻ Đức ở thủ đô Berlin xuống đường biểu tình ngay tối 24-9 khi biết tin đảng cực hữu AfD có chân trong Quốc hội - Ảnh: REUTERS

AfD là đại diện cho một cuộc "khủng hoảng" khác của nước Đức, ngấm ngầm nhưng đầy mạnh mẽ.

Nó trỗi dậy ngay bên trong tiềm thức của dân tộc Đức, của mỗi người dân Đức như cách mô tả của Susanne Bayet trên tờ Der Spiegel. 

Đây là một cuộc đấu tranh giữa một bên là thứ mà người dân Đức khao khát hướng tới, và bên kia là thứ mà họ đang thực sự đối mặt; một bên là những giá trị mà họ muốn cảm nhận - về đạo Hồi, về nhập cư, về văn hóa và di sản của nước Đức - và bên kia là cảm xúc mà họ đang thực sự trải qua.

Nước Đức sau Thế chiến thứ hai tự hào về các giá trị đa văn hóa.

Họ căm ghét chiến tranh, đi đầu trong bảo vệ môi trường, quyền con người và luôn nỗ lực hết sức để thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đây chính là những giá trị mà dân tộc Đức và nước Đức đang khát khao hướng tới.

Thế nhưng vấn đề nhập cư, sự trỗi dậy của Nga và các khó khăn kinh tế của EU đã làm lung lay những khát khao đó của một bộ phận người Đức. 

Khoan dung có thể khiến bạn cảm thấy hài lòng, cho tới khi hàng trăm ngàn người nhập cư ồ ạt vào nước của bạn và lấp đầy mọi hóa đơn. 

Đa văn hóa có thể rất tuyệt vời, cho tới khi người Hồi giáo mang theo những tư tưởng thủ cựu và cực đoan vào bên trong nước Đức. 

Và rồi, giấc mơ tuyệt vời của nước Đức thời hậu chiến đang phải đối mặt với thực tế đầy chông gai đầu thế kỷ 21.

Toàn bộ Đại sứ quán Đức tại Bỉ và quan khách hết thảy đều im lặng, vang lên đây đó tiếng tặc lưỡi hay thở dài chán nản sau khi có kết quả kiểm phiếu sơ bộ. Lần đầu tiên sau Thế chiến thứ hai, một đảng cực hữu có ghế trong Quốc hội Đức.

NGUYỄN THẾ PHƯƠNG (Từ Brussels)
Báo Tuổi Trẻ