Hàng ngàn người biểu tình xếp thành hàng bao quanh căn cứ không quân Mỹ Ramstein ở tây nam Đức ngày 11.6, phản đối hoạt động phục vụ máy bay không người lái (UAV) của Mỹ.

Hàng ngàn người biểu tình phản đối căn cứ UAV Mỹ tại Đức - 0

Foto: Người biểu tình trước căn cứ không quân Mỹ ở vùng Ramstein-Miesenbach (Đức) AFP

Với chiến dịch “Stop Ramstein - No Drone War" (tạm dịch Ngăn chặn Ramstein - Không chiến tranh UAV), các nhà hoạt động nhân quyền tổ chức cuộc biểu tình tại căn cứ Ramstein ở vùng Ramstein-Miesenbach (Đức), cho biết căn cứ này là nơi thu và truyền tín hiệu giữa người điểu khiển UAV ở Mỹ và những chiếc UAV tham gia các chiến dịch quân sự ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, Yemen và Syria, theo AFP.

Những người tổ chức biểu tình cho biết việc chính phủ Đức cho phép Mỹ chuyển phát tín hiệu để triển khai UAV là vi phạm hiến pháp Đức và đòi đóng cửa căn cứ Ramstein, nơi đặt trạm tiếp sóng vệ tinh phục vụ cho chương trình UAV của Mỹ.

“Căn cứ Ramstein phải bị đóng cửa”, ông Reiner Braun, nhà hoạt động vì hòa bình - nghị sĩ Đức thuộc Đảng Xanh, cho hay. Trong khi đó, nghị sĩ đảng Xanh Tabea Roessner cảnh báo những cuộc không kích sử dụng UAV sẽ khiến nhiều người ở Trung Đông tham gia những tổ chức khủng bố và cực đoan.

Cảnh sát Đức ước tính có 3.000 - 4.000 người tham gia biểu tình ở căn cứ Ramstein, vốn là trụ sở chính của Không quân Mỹ ở châu Âu. Trong khi những người tổ chức biểu tình nói có đến 5.000 - 7.000 người biểu tình.

Gần 15 năm sau khi một chiếc UAV lần đầu tiên bắn tên lửa tham chiến, chương trình UAV của quân đội Mỹ đã không ngừng mở rộng. UAV giờ đây trở thành một vũ khí chiến tranh không thể thiếu của Mỹ và được dùng để tiến hành hoạt động trinh sát và tấn công.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 5.2016 đã phê chuẩn cho quân đội Mỹ tiến hành một cuộc không kích bằng UAV tại một khu vực xa xôi hẻo lánh ở Pakistan, tiêu diệt thủ lĩnh Taliban là Mullah Akhtar Mansour.

Các quan chức Mỹ cho hay Mansour đã lên kế hoạch tiến hành những đợt tấn công mới nhắm vào mục tiêu là người Mỹ ở thủ đô Kabul, Afghanistan.

Giới phê bình và các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng UAV thường tấn công không chính xác, không đánh trúng mục tiêu và khiến thường dân bị thiệt mạng.

Vào năm 2013, trả lời phỏng vấn truyền thông Đức, ông Brandon Bryant, từng là người điều khiển UAV cho quân đội Mỹ, lần đầu tiên hé lộ Mỹ sử dụng những căn cứ quân sự ở Đức để tiến hành những cuộc không kích bằng UAV nhắm vào những nghi phạm khủng bố, một thông tin chấn động mà Mỹ trước đó nhiều lần bác bỏ.

Phúc Duy, TN

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC