50 lính Đức đổ bộ xuống một đảo ở Thái Bình Dương và vô tình bị bỏ rơi, buộc họ tìm đường trở về nhà qua nửa vòng Trái Đất.
Thủy thủ đoàn tuần dương hạm SMS Emden trước khi Thế chiến I nổ ra. Ảnh: War History.
Sáng 9/10/1914, Hellmuth Von Mucke, thuyền phó trên tuần dương hạm SMS Emden của đế quốc Đức dẫn nhóm thủy thủ đổ bộ lên quần đảo Keeling ở nam Thái Bình Dương để phá hủy tuyến cáp liên lạc giữa thuộc địa và quân đội Anh. Không ai trong nhóm biết rằng họ sắp trải qua một trong những chuyến phiêu lưu ngoạn mục nhất Thế chiến I, theo War History.
Nhóm 50 lính Đức lên đảo Direction lúc 6h sáng, trong khi tàu SMS Emden thả neo gần đó. Nhóm đổ bộ thông báo cho các quan chức địa phương về ý đồ của mình, cam kết bảo đảm an toàn cho cư dân địa phương nếu không bị cản trở. Hellmuth Von Mucke cho biết mục tiêu của lính Đức chỉ là thiết bị radio, thư tín và đường dây liên lạc của quân đội Anh.
Sau khi phá hủy thiết bị liên lạc đối phương, nhóm lính Đức chuẩn bị trở về thì tai họa ập đến. Còi báo hiệu trên tàu Emden cho biết họ cần trở lại càng nhanh càng tốt. Nhóm đổ bộ vội chèo xuồng trở về tàu mẹ, nhưng khi họ đến nơi thì con tàu này đã rời đi.
Trước đó ít phút, SMS Emden bị tuần dương hạm HMAS Sydney của Australia tấn công. Tàu Đức tìm cách chống trả, nhưng hỏa lực áp đảo trên HMAS Sydney buộc họ phải rút chạy. Von Mucke hiểu rằng các tàu khác của Anh sẽ đến để kiểm tra trạm liên lạc và họ cần nhanh chóng tẩu thoát.
Quay trở lại đảo Direction, lính Đức tập trung cư dân địa phương, tuyên bố trưng dụng tàu buồm cũ kỹ mang tên Ayesha đang neo đậu tại cảng. Người dân địa phương khuyên Von Mucke không nên dùng tàu này bởi nó đã cũ, từ lâu không được bảo dưỡng và phần đáy bị mục nát. Tuy nhiên, Von Mucke vẫn quả quyết ra khơi bằng Ayesha. Nhóm lính Đức được cư dân trên đảo mang cho các tờ báo, quần áo, chăn và lương thực.
Nhóm lính Đức trở lại đảo Direction sau khi tàu Emden rời đi. Ảnh: War History.
Trước khi trời tối, tàu Ayesha bắt đầu lên đường đến Padang, một cảng trung lập do Hà Lan kiểm soát.
Họ phải vòng qua các vùng biển nông và rặng san hô nguy hiểm, sống sót qua nhiều trận bão lớn và tránh bị đối phương phát hiện. Một khu trục hạm ngư lôi phát hiện họ nhưng không tấn công. Thủy thủ đoàn chỉ quan sát con tàu nhỏ này lướt đi trên biển.
Ngày 25/10, nhóm lính Đức đến được cảng Padang nhưng chỉ có 24 giờ để sửa tàu.
Phía Hà Lan không cho họ mang quần áo hoặc bản đồ lên tàu. Thủy thủ đoàn phải cùng nhau vẽ một bản đồ từ các loại sổ nhật ký và suy đoán, nhưng nó không chính xác và quá thiếu an toàn. Bất chấp hiểm họa này, nhóm lính Đức buộc phải ra khơi về phía nam với hy vọng gặp tàu hơi nước đồng minh.
Sau hai tuần lênh đênh mò mẫm trên biển, Ayesha cuối cùng cũng gặp Choising, một tàu hàng Đức khởi hành từ Padang. Von Mucke lệnh cho đồng đội lên tàu. Sau khi chuyển đồ lên tàu, họ phải đánh chìm tàu Ayesha. Nhưng việc này khó khăn hơn dự tính, con tàu nhỏ cứ bám đuôi tàu Choising. Cuối cùng, tàu Choising dừng lại để chiếc Ayesha có thể chìm dần xuống biển.
Choising sau đó đổi tên thành Shenir, ngụy trang là tàu Anh được bán cho một công ty Italy để đi đến Arab Saudi. Lúc này, thủy thủ đoàn Đức biết được Thổ Nhĩ Kỳ đã tham chiến và theo phe Đức. Cách tốt nhất để họ sống sót là đến vùng lãnh thổ đồng minh. Họ tránh các tuyến hàng hải, đi vòng quanh Ấn Độ Dương và đến Hodeida, Yemen đầu tháng 1/1915. Phát hiện một tàu tuần dương Pháp ngoài khơi, nhóm lính Đức rời tàu Choising và chèo xuồng vào bờ.
Khi đáp xuống Hodeida, họ tìm cách trở về Đức. Sau khi từ bỏ nỗ lực hồi hương bằng đường bộ, họ quyết định mua hai tàu buồm Arab, mỗi chiếc dài 12 m. 50 lính Đức ra khơi và đến Al Qunfidah, Arab Saudi sau đó hai tháng. Từ đây, họ vòng tránh sự phong tỏa của Anh trên Biển Đỏ, di chuyển đường bộ bằng lạc đà và lừa đến Djedda, sống sót qua cuộc tấn công của 300 dân du mục trong ba ngày di chuyển trên sa mạc.
Hành trình của 50 lính Đức trên biển. Ảnh: Wordpress.
Ngày 9/4, nhóm lính Đức rời Djedda và dùng thuyền buồm di chuyển theo hướng tây bắc về El Wegh. Ngày 2/5, họ tiếp tục dùng lạc đà di chuyển qua khu vực xa xôi hẻo lánh để đến ga đường sắt Al Ula.
Lúc này, tin tức về hành trình của 50 lính Đức đã lan ra khắp thế giới. Khi đến Al Ula, một con tàu đã đợi sẵn cùng hai nhà ngoại giao Đức và một tùy viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, giúp hành trình về nhà của họ dễ dàng hơn.
Trong 10 tháng di chuyển từ nam Thái Bình Dương đến Đức, nhóm lính mất 10 người, nhưng đã được cả thế giới ngưỡng mộ nhờ hành trình hồi hương phi thường.
Nguồn: VnExpress