G20 ra tuyên bố chung, cho hay phần lớn các thành viên lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine "bằng từ ngữ mạnh mẽ nhất".

"Hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine", theo tuyên bố chung được đưa ra hôm nay, ngày làm việc cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia. Ngôn ngữ của tuyên bố chung cho thấy Nga, quốc gia thành viên G20, nhiều khả năng phản đối động thái trên.

Tuyên bố chung thừa nhận "có những quan điểm và đánh giá khác biệt về tình hình Ukraine cũng như biện pháp trừng phạt". Hiện chưa rõ lập trường của Trung Quốc và Ấn Độ trong tuyên bố chung của G20. Hai nước này từng bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp Quốc hồi tháng 3 đối với nghị quyết lên án chiến dịch quân sự của Nga.

"Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được", tuyên bố nêu thêm. "Điều cần thiết là phải duy trì luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương để bảo vệ hòa bình và ổn định. Điều này đòi hỏi bảo vệ tất cả mục đích và nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và tuân thủ luật nhân đạo quốc tế".

1 Hau Het Cac Nuoc G20 Phan Doi Chien Dich Quan Su Cua Nga O Ukraine

Các lãnh đạo G20 tại Bali, Indonesia ngày 16/11. Ảnh: AFP.

Trước đó, các lãnh đạo G20 đã họp khẩn để thảo luận vụ tên lửa rơi vào lãnh thổ Ba Lan, khiến hai người thiệt mạng. Sau cuộc họp, các lãnh đạo G20 tham gia trồng cây rừng ngập mặn để phát động cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20, nhiều quốc gia cho rằng chiến sự Ukraine đã làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu và tăng chia rẽ địa chính trị, trong bối cảnh thế giới đang thoát khỏi đại dịch Covid-19.

Nga cho rằng "chính trị hóa" hội nghị thượng đỉnh G20 là không công bằng. "Đúng, có một cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, một cuộc chiến tranh lai mà phương Tây đã khơi mào và chuẩn bị trong nhiều năm", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói hôm 15/11. Chiến tranh lai là thuật ngữ dùng để chỉ loại hình chiến tranh kết hợp nhiều phương thức, từ chính trị, quân sự cho tới tấn công mạng.

Ông Lavrov thay mặt Tổng thống Vladimir Putin dự hội nghị thượng đỉnh, nhưng đã rời đi tối 15/11. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov sau đó đại diện Nga tiếp tục dự hội nghị.

Phương Tây cáo buộc Nga đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngược lại, Nga cáo buộc phương Tây có những lời lẽ "khiêu khích" về hạt nhân. Nước chủ nhà Indonesia kêu gọi các bên đoàn kết và tập trung vào các vấn đề như lạm phát, nạn đói và giá năng lượng cao.

Tài liệu của hội nghị thượng đỉnh cũng cho biết các thành viên G20 sẽ điều chỉnh chính sách thắt chặt tiền tệ, lưu tâm đến vấn đề lạm phát toàn cầu. Về nợ, G20 bày tỏ lo ngại về tình hình "xấu đi" của một số quốc gia có thu nhập trung bình và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả chủ nợ phải chia sẻ gánh nặng một cách công bằng.

Lãnh đạo G20 cũng thống nhất theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, bao gồm đẩy nhanh nỗ lực giảm dần việc sử dụng than đá. "Điều này sẽ đòi hỏi các hành động và cam kết có ý nghĩa, hiệu quả của tất cả quốc gia", tuyên bố được đưa ra sau hội nghị cho hay.

Tuyên bố chung kêu gọi các đại biểu tại hội nghị biến đổi khí hậu COP27 đang diễn ra ở Ai Cập "khẩn trương tăng quy mô" các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kết thúc hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo trao lại chức Chủ tịch G20 cho Ấn Độ. Theo ông Widodo, nhóm 20 nền kinh tế lớn đã thông qua tuyên bố chung của các lãnh đạo và tạo ra các mối quan hệ đối tác khác.

Huyền Lê (Theo Reuters)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC