Cuối bậc tiểu học, giáo viên thường tổ chức các khóa định hướng cho học sinh để có sự lựa chọn trường trung học thích hợp cho mình.
Đức là một nước cộng hòa đại nghị liên bang bao gồm 16 bang. Thủ đô và thành phố lớn nhất là Berlin. Đức là thành viên của Liên hiệp quốc, NATO, G8, G20, OECD và WTO. Nước Đức là một cường quốc với nền kinh tế có GDP danh nghĩa đứng thứ tư và GDP sức mua tương đương đứng thứ năm trên thế giới. Nước Đức cũng được biết đến là dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
Hệ thống giáo dục thuộc về trách nhiệm của từng bang nhưng được phối hợp qua hội nghị liên bang của các bộ trưởng văn hóa (Konferenz der Kultusminister).
CHLB Đức có một hệ thống giáo dục được thừa hưởng sự phát triển lịch sử hàng trăm năm.
Tùy theo tiểu bang, tất cả trẻ em đều có nghĩa vụ phải học từ 9 đến 12 năm. Trong khi ở một số bang chương trình phổ thông chỉ kéo dài 12 năm, thì ở các bang khác tới những 13 năm.
Sau khi tốt nghiệp bậc trung học (lớp 10), thanh niên ở Đức có nhiều sự lựa chọn. Họ có thể học nghề ở các trường dạy nghề, hay học hết phổ thông để lấy bằng Abitur (tương đương với bằng tốt nghiệp phổ thông ở Việt Nam).
Sau Abitur họ có thể chọn học tiếp ở trường đại học (Universität hay Hochschule) hay trường đại học thực hành (Fachhochschule). Chỉ trong những trường hợp đặc biệt bằng tốt nghiệp của trường đại học thực hành (FH-Diplom) mới có khả năng được công nhận để tiếp tục làm luận án tiến sĩ tại các trường đại học.
Ngược lại bằng cao học (Master) của một trường đại học thực hành về cơ bản cho phép được tiếp tục làm bằng tiến sĩ.
Giáo dục mầm non (Kindergarten) là tùy chọn cho tất cả trẻ em từ ba đến sáu tuổi, chính thức không thuộc trong hệ thống giáo dục Đức. Tiếp sau đó là 9 đến 10 năm giáo dục bắt buộc đối với trẻ em có quốc tịch Đức, trẻ em công dân nước ngoài, và trẻ em không quốc tịch đang sống tại Đức.
Cuối bậc tiểu học, giáo viên thường tổ chức các khóa định hướng cho học sinh của mình tùy theo năng lực học tập của các em. Mục đích là để học sinh tiểu học có sự lựa chọn trường trung học thích hợp cho mình.
Giáo dục trung học bao gồm các 4 loại trường với các mức độ học thuật khác nhau:
Hauptschule ("trường cơ bản") là loại trường trung học cơ sở ít hàn lâm nhất và thiên về chuẩn bị cho dạy nghề. Kỳ thi tốt nghiệp Hauptschule gọi là Hauptschulabschluss, sau khi học xong lớp 9.
Realschule ("trường thực hành") có phạm vi học thuật rộng hơn và bắt đầu từ lớp 5 hoặc lớp 6 tùy từng bang đến hết lớp 10 hoặc lớp 11. Ở một số tiểu bang học sinh phải đủ điểm hoặc qua kỳ thi tuyển sinh mới được vào học (Ở Bayern phải được điểm trung bình 2,6 từ 3 môn Toán, tiếng Đức và Kiến thức tổng quát cuối lớp 4). Hệ này kết thúc với kỳ thi tốt nghiệp Mittlere Reife.
Gynasium ("trường khoa học") dành cho học sinh chuẩn bị tham gia giáo dục đại học. Để được vào học ở đây, ở một số tiểu bang học sinh phải đủ điểm hoặc qua kỳ thi tuyển sinh mới được vào học (Ở Bayern phải được điểm trung bình 2,3 từ 3 môn Toán, tiếng Đức và Kiến thức tổng quát cuối lớp 4). Nếu được tuyển, học sinh được học liền một mạch từ lớp 5 hoặc lớp 6 đến lớp 12, thậm chí có cả lớp 13 tùy bang. Kết thúc là kỳ thi tốt nghiệp Abitur.
Gesamtschule là loại trường trung học tổng hợp các loại hình nói trên. Trường Gesamtschule có thể tổ chức chương trình tiền đại học cho học sinh ưu tú, chương trình phổ thông cho học sinh trung bình và chương trình đơn giản cho học sinh ít có khả năng hơn.
Hệ thống này có sự phân định khá rạch ròi ngay từ đầu trung học, trong đó chỉ có luồng hàn lâm (Gymnasium) lấy bằng tốt nghiệp THPT hàn lâm (Abitur) mới dẫn trực tiếp đến đại học tổng hợp (Universitaet) còn hai luồng kia sẽ dẫn người học vào các trường đại học khoa học ứng dụng (Fachhochschule) hay các cơ sở đào tạo nghề/nghiệp vụ.
Tuy vậy học sinh tốt nghiệp các loại hình trung học không hàn lâm cũng có thể học bổ túc để lấy chứng chỉ tương đương THPT hàn lâm (Hochschulreife/Zulassung) để vào học tại các đại học tổng hợp.
Các trường đại học tổng hợp và đại học khoa học ứng dụng đều đào tạo mô hình 3+2 của Không gian đại học chung Bologna với 3 năm đầu cấp bằng cử nhân và 2 năm tiếp theo cấp bằng cao học. Có bằng cao học người học có thể thi vào làm Nghiên cứu sinh tại các đại học tổng hợp.
Sau khi hoàn thành cấp học trung học, có một hệ thống trường trung cấp nghề, gọi là Berufsschule, kéo dài từ 2 đến 3 năm rưỡi, cho những người muốn học tiếp. Một hệ thống đặc biệt của trường dạy nghề gọi là Duale Ausbildung cho phép học sinh về các khóa học nghề để làm trong dịch vụ đào tạo trong một công ty cũng như ở trường nhà nước.
Trách nhiệm chính về tổ chức và quản lý giáo dục thuộc về các bang (Länder) và là một phần của chủ quyền của bang về văn hóa (Kulturhoheit der Länder). Ở các bang có Bộ giáo dục, văn hóa và khoa học (Kultusministerium) đứng ra điều hành và quản lý. Giáo viên do Bộ giáo dục bang tuyển dụng và sau một thời gian hợp đồng nhất định sẽ trở thành công chức suốt đời.
Bang cũng là cấp quyết định về luật lệ, quy định quản lý nhà trường, duyệt sách giáo khoa. Các xã (Gemeinden) lo phần cơ sở vật chất và trang bị trường học.
Một phần trách nhiệm về giáo dục nằm trong thẩm quyền liên bang và do Bộ giáo dục và nghiên cứu liên bang phụ trách, chủ yếu là các vấn đề có tính chung nhất (Rahmen). Bên cạnh đó chính quyền liên bang còn có các hội đồng tư vấn về các vấn đề có liên quan tới nghiên cứu và giáo dục.
Có thể nói hệ thống giáo dục Đức khá phức tạp nhưng đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực của Đức thông qua sự đa dạng trong các chương trình đào tạo và phương thức đào tạo.
Mai Anh Theo www.duhocduc.de