Các chuyên gia đang cảnh báo về một đợt suy thoái khác có thể xảy ra với nền kinh tế Đức, do một loạt các yếu tố nội tại khác nhau gây tác động tiêu cực.
Người dân mua hàng trong siêu thị tại Jena, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Trong liên tiếp ba quý gần đây, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và lớn nhất châu Âu, đã bị thu hẹp. Một lý do thực sự dẫn đến kết quả này là lĩnh vực sản xuất toàn cầu suy giảm đã gây ảnh hưởng nặng nề đến Đức, khi lĩnh vực này đóng góp tới 1/5 tổng sản lượng của cả nước - mức tương đương với Nhật Bản, nhưng gần gấp đôi so với Mỹ, Pháp và Anh.
Chuyên gia Oliver Holtemöller, người đứng đầu bộ phận kinh tế vĩ mô tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Halle, cho biết chi phí vốn cao hơn và tình trạng thiếu nhân công lành nghề đã khiến lĩnh vực sản xuất chịu áp lực nghiêm trọng.
Mặc dù giá khí đốt và điện của Đức đã giảm đáng kể từ năm 2022, nhưng vẫn cao hơn so với nhiều nước ngoài châu Âu. Hoạt động sản xuất trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như hóa chất, thủy tinh và giấy, giảm 17% tính từ đầu năm 2022, cho thấy sự tổn thất vĩnh viễn đã xảy ra.
Nhà kinh tế học cấp cao Franziska Palmas của công ty tư vấn Capital Economics nói triển vọng ngành công nghiệp Đức rất ảm đạm, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô - lĩnh vực kinh tế trọng điểm - đang bị tác động mạnh, khi các thương hiệu ô tô lớn và lâu đời của Đức phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong việc phát triển xe điện tiên tiến, đáp ứng sự chuyển dịch nhu cầu của thị trường.
Chuyên gia Martin Wolburg từ công ty đầu tư Generali Investments Europe nhấn mạnh hàng hóa xuất khẩu chính của Đức là ô tô đang ngày càng bị cạnh tranh và dần đánh mất thị phần toàn cầu.
Một khảo sát vừa được thực hiện trong tháng này của Consensus Economics cho thấy dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ giảm 0,35% trong năm 2023. Kết quả này đi ngược lại so với mức dự báo tăng trưởng nhẹ mà các nhà phân tích tham gia khảo sát của Consensus Economics đã đưa ra vào ba tháng trước.
Tương tự, mới đây nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Đức có thể giảm nhẹ trong năm 2023. Trong khi, Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) dự báo nước này sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế nhẹ trong cả năm nay với mức tăng trưởng âm 0,3% so với năm 2022.
Nguyên nhân của sự điều chỉnh dự báo được cho là xuất phát từ chính các yếu tố nội tại của nền kinh tế Đức. Nhà kinh tế trưởng Jörg Krämer thuộc ngân hàng Commerzbank phân tích, nếu loại bỏ tác động của đại dịch COVID-19, hoạt động kinh tế kém hiệu quả tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã bắt đầu từ năm 2017, do khả năng cạnh tranh của đất nước bị xói mòn, khi chi phí lao động tăng, thuế cao, bộ máy hành chính quan liêu và thiếu nâng cấp công nghệ số hóa trong các dịch vụ công.
Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng chính phủ Đức đang nỗ lực giải quyết các vấn đề cơ cấu cốt lõi, thay vì cung cấp một gói kích thích tài chính ngắn hạn. Đây là hướng đi đúng, trong bối cảnh các vấn đề nội tại của Đức đang gây ra tác động kinh tế lớn hơn so với tác động của khủng hoảng năng lượng và lạm phát cao.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Florian Hense tại công ty quản lý quỹ Union Investment nói những khó khăn theo chu kỳ của Đức sẽ giảm bớt, khi giá năng lượng về mức vừa phải và hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi.
Trong dài hạn, chuyên gia Hense dự báo tăng trưởng kinh tế Đức sẽ trở lại mức trung bình 1,5% của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào năm 2025. Chi tiêu của người tiêu dùng có thể phục hồi khi tiền lương tăng nhiều hơn 5%, trong khi lạm phát được dự báo sẽ giảm một nửa xuống còn 3% trong năm 2024.
IMF dự báo GDP của Đức sẽ dần lấy lại đà tăng vào năm 2024 và 2025, khi các tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ dần mờ nhạt và nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã có đủ thời gian điều chỉnh để thích nghi với cú sốc giá năng lượng.
Giám đốc Viện Kinh tế Thế giới Kiel Stefan Kooths cho biết các vấn đề càng lớn thì càng có nhiều khả năng có sự thay đổi thực sự trong chính sách. Tuy nhiên, nhà kinh tế Carsten Brzeski tại ngân hàng ING của Hà Lan khuyến nghị chính phủ Đức cần một kế hoạch đầu tư và cải cách toàn diện, để thúc đẩy sự tăng trưởng./.
Diệu Linh
Nguồn: bnews.vn