Lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, một đảng cực hữu sẽ lại có mặt trong Quốc hội Đức.

Các cuộc thăm dò cho thấy đảng Giải pháp Thay thế cho nước Đức (AfD), một phong trào mới được thành lập năm 2013 dễ chiếm được số phiều bầu cao thứ 3 và rất có thể trở thành lực lượng đối lập chính tại Quốc hội Đức.

AfD bị coi là đảng cực hữu đã nói rằng họ sẽ tạo áp lực để Thủ tướng Angela Merkel phải bị “trừng phạt nghiêm trọng” vì mở cửa cho người tị nạn và người di cư. AfD tự tin với những điều đó khi họ có thể trở thành đảng lớn thứ ba tại Đức với 12% phiếu bầu vào ngày 24.9. Đó là con số mà Afd có được trong các cuộc thăm dò vào lúc này.

12% ít hơn so với các phong trào tương tự ở các nước châu Âu khác. Chẳng hạn ở Pháp, nhà lãnh đạo cánh hữu Marine Le Pen đã giành được 34% phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu tổng thống hồi tháng 5 hay ở Hà Lan, Geert Wilders đã giành được 13% trong cuộc bầu cử hồi tháng 3.

Lần đầu sau thời Hitler, đảng cực hữu sẽ lại vào Quốc hội Đức - 0

Bà Weidel, người lãnh đạo của AfD

Tuy nhiên, tại Đức thì đảng cực hữu là một khái niệm nhạy cảm do lịch sử để lại. Theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Đức đã so sánh AfD hiện giờ với Đức quốc xã thao túng nền chính trị Đức và khiến các đảng phái khác sợ hãi. Tất cả đều từ chối làm việc với AfD và thậm chí, không ai muốn ngồi cạnh họ trong Quốc hội.

Được thành lập vào tháng 4.2013, AfD đã thiếu 5% số phiếu cần thiết để có được đại diện trong cuộc bầu cử liên bang trong tháng 9 năm đó. Nhưng giờ sự bất mãn của người Đức với chính sách của bà Merkel dâng cao nên đảng này có cơ hội kiếm phiếu cao hơn.

Đảng này theo đuổi chủ trương đóng cửa biên giới Đức và đưa ra một hạn ngạch khắt khe cho việc trục xuất.

Hiện các cuộc thăm dò cho thấy đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Merkel và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đang dẫn đầu nhưng nhiều khả năng họ sẽ phải liên minh cùng nhau để thành lập chính phủ. Như vậy thì AfD với tư cách đảng chiếm phiếu cao thứ 3 sẽ trở thành lực lượng đối lập lớn nhất trong Quốc hội.

Kịch bản đó sẽ dẫn đến việc AfD được tham gia ủy ban ngân sách và cho phép các nghị sĩ của họ mở cuộc tranh luận chung trong thời gian tham vấn ngân sách.

Ngay từ lúc này, ông Georg Pazderski, thành viên của ban điều hành của AfD, nói với các phóng viên rằng đảng của ông sẽ sử dụng vai trò trên (dù mới chỉ là dự đoán) trong Quốc hội mới để tạo áp lực tới chi phí cho cuộc khủng hoảng người tị nạn và rắc rối ở khu vực đồng euro.

“Chúng tôi sẽ có tiếng nói khi chúng tôi ở trong Quốc hội. Chúng tôi không phải là những kẻ đối lập dễ bảo”, ông Pazderski nói.

Lãnh đạo AfD Alexander Gauland phủ nhận họ là Nazis (phát xít) và nói rằng những người khác chỉ sử dụng thuật ngữ này do lo sợ sự phát triển của AfD.

“Chúng ta đang dần dần trở thành người nước ngoài ở đất nước của chúng ta”, Gauland nói trong một cuộc mít tinh tại một thành phố giáp biên giới Ba Lan. Vị luật sư 76 tuổi nói rằng nước Đức phải thuộc về người Đức, đạo Hồi không có chỗ ở đây và dòng người di cư sẽ làm cho mọi người (tức là người Đức) tồi tệ hơn.

 Gauland gây ra sự phẫn nộ vì nói rằng người Đức không cần phải cắn rứt với quá khứ của Đức quốc xã nữa và họ nên tự hào về những gì mà những người lính Đức đã đạt được trong Thế chiến thứ nhất và hai.

Đức quốc xã cai trị Đức từ năm 1933 đến năm 1945, trong thời gian đó họ sát hại 6 triệu người Do Thái và xâm chiếm các quốc gia ở châu Âu.

Nguồn: Một thế giới




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC