Một nhà hoạt động xã hội thuộc phong trào thanh niên cánh tả ở Đức vừa thừa nhận đã nói dối cảnh sát về một vụ tấn công tình dục và che giấu quốc tịch của những kẻ đã cưỡng bức mình vì sợ rằng sự việc sẽ kích động thêm “nhiều sự căm ghét” với người tị nạn.
Selin Gören. (Nguồn: Facebook)
Selin Gören, người phát ngôn quốc gia của phong trào Linksjugend Solid thuộc đảng cánh tả ở Đức, chia sẻ với kênh Der Spiegel rằng cô đã nghĩ đến vụ đốt các trại tị nạn trong những tháng trước và muốn câu chuyện của mình không bị những kẻ phân biệt chủng tộc lợi dụng.
Cô cũng thừa nhận rằng mình đã rất tức giận khi một sỹ quan cảnh sát hỏi có phải những kẻ tấn công cô là người tị nạn hay không.
Gören cho biết cô đã bị tấn công và cưỡng hiếp hồi tháng Một bởi ba người đàn ông ngoại quốc nói tiếng Arab cũng như tiếng Kurd và tiếng Farsi ở thành phố Mannheim, Đức, nơi cô làm công việc của một nhà hoạt động hỗ trợ người tị nạn.
Những người này sau đó còn lấy đi túi xách của cô. Sau khi sự việc xảy ra, Gören đã đến thẳng đồn cảnh sát, nhưng thay vì trình báo mình đã bị cưỡng hiếp, cô chỉ nói mình bị cướp. Cô cũng nói dối về quốc tịch của những kẻ tấn công và khẳng định mình bị “một nhóm người Đức và người ngoại quốc nói tiếng Đức” cướp tài sản.
Giải thích cho hành động của mình, Gören nói rằng cô đã nghĩ về phản ứng dữ dội của dư luận nhắm vào người tị nạn và nhập cư sau làn sóng các vụ tấn công tình dục tại Cologne hồi đêm giao thừa, khi hàng trăm người phụ nữ đã bị các nhóm người trẻ nhập cư tấn công tình dục và cướp tài sản.
Khoảng 12 tiếng sau vụ tấn công, bạn của Gören đã thuyết phục cô đến đồn cảnh sát và kể lại sự thực với lập luận rằng những kẻ đã tấn công cô cũng có thể sẽ tấn công những người khác và một cô gái khác ở khu lân cận cũng đã bị tấn công tình dục không lâu trước đó.
Gören cũng đã công khai vụ việc trên mạng xã hội ngay sau sự việc. Tuy nhiên, cô cho rằng người có lỗi là “những kẻ phân biệt chủng tộc và giới tính” trong cộng đồng người Đức thay vì những kẻ đã tấn công mình.
Trong một bài đăng trên Facebook, cô cho rằng những nạn nhân của các vụ tấn công tình dục đã lôi người nhập cư vào câu chuyện của họ để “kích động sự căm ghét từ những người phân biệt chủng tộc” và do đó buộc cô phải nói dối cảnh sát.
Cô cũng đã gửi lời xin lỗi đến những người tị nạn là nam giới vì sự phân biệt chủng tộc và giới tính họ phải chịu đựng từ xã hội Đức và khẳng định”vấn đề không hề nằm ở các bạn.”
“Điều thực sự làm tôi tổn thương là thực tế sự việc xảy ra với tôi chỉ dẫn tới một tình huống duy nhất là các bạn phải chịu sự phân biệt ngày càng lớn và gay gắt,” Gören viết.
Hiện, Gören đang thúc giục phụ nữ không lặp lại sai lầm của cô và “không che giấu sự thực dù điều đó có lợi về mặt chính trị.”
Chia sẻ về tác động của sự việc với thế giới quan của mình, Gören vẫn nhấn mạnh rằng cô tin lỗi thuộc về cộng đồng phân biệt giới tính hơn là cá nhân.
Bản thân là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Gören cũng nói rằng quan điểm của cô về người tị nạn và nhập cư nhìn chung không thay đổi, dù cô thừa nhận bây giờ mình khá sợ người Arab.
Vụ việc của Gören không phải là mới khi trước đó đã có 3 nữ sinh 16-18 tuổi ở thành phố Kassel miền trung nước Đức cho biết họ thường xuyên bị người nhập cư đi chung trên các phương tiện công cộng có hành vi quấy rối tình dục nhưng không trình báo vì không muốn “tiếp tay cho sự phân biệt đối xử với người tị nạn.”
Hành động che giấu sự thật và không khai ra danh tính thật của những kẻ tấn công “thực tế là chính xác là những gì sẽ kích động sự căm phẫn của dư luận,” Christian Pfeiifer, cựu lãnh đạo Viện nghiên cứu Tội phạm học Lower Saxony ở Hannover, cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh rằng lúc này, sự gia tăng các vụ tấn công tình dục có thể là kết quả của việc chính sách người tị nạn không thể lo liệu chu toàn cho làn sóng thanh niên tị nạn độc thân đang tràn vào nước Đức, mà vị thế của họ tại đây là không rõ ràng. Để giải quyết vấn đề này, cần phải lên tiếng đề cập đến nó trước.
Theo nhóm hoạt động xã hội chống bạo lực tình dục GESA tại Đức, số lượng các vụ tấn công tình dục đã tăng lên theo dòng người nhập cư là nam giới.
“Những tội phạm tình dục tới từ những quốc gia có một nền văn hóa và cách nhìn nhận khác vè phụ nữ,” Steffi Burmester, người phát ngôn của GESA cho biết.
Cô cũng nói rằng sau khi trải qua cảm giác “sợ hãi và nhục nhã” vì bỏ chạy khỏi quê hương, những người đàn ông này “cô độc và muốn tìm cách nào đó để thúc đẩy cái tôi đàn ông của họ.” Tuy nhiên, những hành vi đó “không thể được bỏ qua hay chấp nhận”.
Theo BILD