Ngoài Hamburg, các cuộc truy quét các phần tử cực đoan hoặc tình nghi liên quan đến Hezbollah còn nhằm vào một số địa điểm bang Niedersachsen, Hessen, Baden-Wurttemberg, Bayern, Berlin...

1 Luc Luong An Ninh Duc Dot Kich Cac Dia Diem Tinh Nghi Lien Quan Den Hezbollah

Cảnh sát Đức. (Ảnh: AFP)

Ngày 16/11, lực lượng an ninh Đức đã đột kích 54 địa điểm và cơ sở Hồi giáo trên toàn quốc trong chiến dịch trấn áp nhằm vào các phần tử cực đoan hoặc tình nghi liên quan đến Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban.

Các đặc vụ liên bang đã tiến hành các cuộc đột kích đồng thời vào 54 cơ sở trên khắp 7 bang, trong đó cuộc đột kích đầu tiên nhằm vào Trung tâm Hồi giáo ở Hamburg, nơi được xem là đầu mối của chiến dịch trấn áp các phần tử nổi dậy đang âm mưu làm mất trật tự hiến pháp của đất nước.

Ngoài Hamburg, các cuộc truy quét của lực lượng liên bang còn nhằm vào một số địa điểm bang Niedersachsen, Hessen, Baden-Wurttemberg, Bayern, Berlin và North Rhine-Westphalia.

Hiện Chính phủ Đức chưa xác định bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào, song nghi ngờ Trung tâm Hồi giáo Hamburg hỗ trợ cho Phong trào Hezbollah ở Liban, vốn bị cấm ở Đức.

Bộ Nội vụ Đức cho rằng “Trung tâm Hồi giáo Hamburg” đang truyền bá các thông tin gây chia rẽ và kích động chủ nghĩa cực đoan trong bối cảnh cuộc xung đột Hamas-Israel đã kéo dài gần 6 tuần mà chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Bộ Nội vụ Đức lưu ý rằng tổ chức này có ảnh hưởng lớn đối với một số thánh đường Hồi giáo trên toàn quốc, thúc đẩy "tư tưởng bài Do Thái."

Hôm 8/11 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Nancy Faeser cho biết kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel bùng phát, đã có 450 cuộc biểu tình ủng hộ Palestine và hơn 410 cuộc tụ tập ủng hộ Israel ở nước này.

Bộ trưởng Faeser đã lên tiếng phản đối chủ nghĩa bài Do Thái ở Đức, khẳng định "xung đột ở Trung Đông không được phép diễn ra trên đường phố Đức."

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo hành vi bài Do Thái gia tăng bất thường tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian qua. EC lên án tình trạng này tại châu Âu, kêu gọi người dân đẩy lùi làn sóng này.

EC khẳng định sẽ phối hợp với các nước thành viên tăng cường an ninh, đồng thời bảo đảm các nền tảng trực tuyến nhanh chóng gỡ bỏ thông tin sai lệch và nội dung kích động bạo lực, thù hận, phân biệt chủng tộc./.

Nguồn: vietnamplus.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC