Các đại biểu Đức đã lên tiếng kêu gọi chính phủ ngừng phân bổ số tiền cho các dự án của Kiev, cũng như chỉ ra rằng hầu hết người dân thuộc các vùng lãnh thổ không kiểm soát của Ukraine đều bị loại ra khỏi chương trình hỗ trợ.
Tổng thống Ukraine Poroshenko, Thủ tướng Đức Merkel - Ảnh: dpa/sputnik/infonet
Tờ Sputnik phiên bản tiếng Đức đưa tin, đảng "Cánh tả" của Đức mới đây đã tìm ra bằng chứng cho rằng, số tiền Đức dành cho dự án "Đối tác phương Đông" chủ yếu được dồn sang cho Ukraine.
Thay mặt cho đảng, hai đại biểu của Bundestag (Quốc hội Đức), Andrei Hunko và André Han đã yêu cầu chính phủ đưa ra báo cáo về việc sử dụng kinh phí dành cho Đối tác phương Đông.
Đây là chương trình thể hiện chính sách của EU nhằm phát triển quan hệ hội nhập với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ bao gồm:
Ukraine, Moldova, Azerbaijan, Armenia, Gruzia và Belarus.
Hóa ra, thực chất gần như toàn bộ số tiền đều được rót về cho Kiev. Trong ba năm qua, Đức đã chi cho các dự án khác nhau của Ukraine phân nửa số tiền 14 triệu euro được phân bổ hàng năm.
Các đại biểu Đức coi đây là một hành động mang ý nghĩa về mặt chính trị và thúc giục chính phủ ngừng việc thực hiện phân bổ ngân quỹ. Họ cũng chỉ ra rằng người dân của các vùng lãnh thổ không thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Kiev đã bị loại ra khỏi các chương trình hỗ trợ.
Công ty phát thanh truyền hình Deutsche Welle và Học viện Châu Âu-Berlin, chuyên tư vấn cho Kiev về vấn đề quản lý nhà nước, là hai nơi được nhận nguồn kinh phí rộng rãi nhất.
Ngoài ra, Đức đã gửi cho Ukraine nhiều cố vấn, chủ yếu là về các vấn đề đất đai. Ông Andrei Hunko coi đây là một nỗ lực của Berlin để thực hiện các lợi ích kinh tế của mình.
Đại biểu quốc hội Đức bình luận:
"Các vùng lãnh thổ Ukraine, tất nhiên, là mối quan tâm lớn đối với nhiều quốc gia và các công ty, đặc biệt chúng cũng là mối bận tâm đối với phía Mỹ và Đức. Vì vậy, tôi lo ngại rằng, vấn đề ở đây không chỉ là phát triển về mặt dân sự xã hội -. mà đằng sau đó là lợi ích kinh tế thực tế nhất của Đức".
"Đối tác phương Đông" là chương trình thể hiện chính sách của Liên minh châu Âu trong quan hệ với các nước đối tác nằm ở phía Đông, cụ thể là các nước láng giềng với Liên minh châu Âu gồm Armenia, Azerbaijan, Gruzia, Moldova, Ukraine và Belarus, nhằm giúp các nước này thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với EU, cũng như hỗ trợ tiến hành cải cách và hiện đại hoá.
Do chủ trương ủng hộ nỗ lực của các nước đối tác phương Đông phát triển quan hệ tốt đẹp với Nga song song với việc tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu, nên trong từng trường hợp cụ thể, Nga có thể được mời tham gia chương trình này.
Nguồn: Đức Dũng /INFONET (lược dịch)