Trong ngày 5/1, một loạt nước Hà Lan, Bồ Đào Nha, Croatia.... đều đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy trong suốt 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành.
Theo phóng viên tại châu Âu, ngày 5/1, Viện Y tế công cộng quốc gia Hà Lan ghi nhận con số kỷ lục mới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hằng ngày với 24.590 kết quả xét nghiệm dương tính, vượt số cao kỷ lục 23.713 ca ghi nhận ngày 24/11/2021.
Các ca lây nhiễm tại Hà Lan đã tăng gần 60% so với tuần trước mặc dù nước này đã siết chặt các biện pháp phòng dịch như đóng cửa tất cả trừ các cơ sở kinh doanh hàng hóa không thiết yếu cũng như các nhà hàng, tiệm làm tóc, phòng tập thể dục, bảo tàng và các địa điểm công cộng khác kể từ ngày 19/12/2021.
Theo Viện Y tế công cộng quốc gia Hà Lan, biến thể Omicron của SARS-CoV-2 hiện đang chiếm đa số các ca nhiễm mới.
Cho đến nay, các biện pháp phòng dịch của Hà Lan đã góp phần làm giảm số lượng bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện xuống mức thấp nhất trong 2 tháng với trung bình mỗi ngày, 13 bệnh nhân cần điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).
Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 điều trị trong ICU đến ngày 5/1 là 449 người, giảm 15 người so với ngày trước đó.
Tuy nhiên, theo Trung tâm điều phối quốc gia về phân bổ bệnh nhân (LCPS), số bệnh nhân COVID-19 nhập viện sẽ sớm tăng trở lại do sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm mới.
Mặc dù vậy, chính phủ Hà Lan ngày 3/1 đã quyết định cho phép các trường tiểu học và trung học mở cửa trở lại theo đúng kế hoạch sau kỳ nghỉ Giáng sinh vào ngày 10/1.
Các biện pháp phòng dịch khác dự kiến được đưa ra vào ngày kết thúc lệnh phong tỏa (ngày 14/1).
Hiện hơn 85% người trưởng thành ở Hà Lan đã được tiêm chủng, nhưng chiến dịch tiêm mũi tăng cường của nước này diễn ra chậm chạp.Theo số liệu của chính phủ, tính đến ngày 5/1, mới chỉ có 32% người trưởng thành đã được tiêm mũi vaccine tăng cường.
Bồ Đào Nha ngày 5/1 có 39.570 ca nhiễm mới - mức tăng cao nhất theo ngày ghi nhận được kể từ đầu dịch đến nay.
Theo Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa, nước này đã tăng cường năng lực xét nghiệm gấp 5 lần so với 1 năm trước và đây là một phần nguyên nhân nước này xác định được nhiều ca nhiễm như trên.
Nhà lãnh đạo Bồ Đào Nha đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của vaccine trong phòng chống dịch COVID-19 khi khẳng định vaccine làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và t ử vong ở người mắc COVID-19.
Theo số liệu chính thức của Bồ Đào Nha, 88% dân số nước này đã hoàn thành chương trình tiêm chủng vaccine cơ bản, và có hơn 3 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.
Croatia ngày 5/1 ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục theo ngày 8.575 ca, tăng 47% so với ngày trước đó.
Ngoài Croatia, nhiều nước khu vực Tây Balkan cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lay nhanh chóng.
Số ca nhiễm mới tại Bosnia đã tăng gấp 2 lần trong tuần qua, lên 1.556 ca vào ngày 5/1. Montenegro cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng 86% trong tuần qua.
Do sự lây lan của biến thể Omicron, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/1 ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục 66.467 ca.
Trong 1 tuần, số ca nhiễm mới đã tăng hơn 2 lần và Omicron hiện đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nước này.
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết ở thời điểm hiện tại nước này không có kế hoạch xem xét việc siết chặt các biện pháp phòng dịch, mà chỉ kêu gọi người dân tiêm chủng và tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân.
Ông cũng công bố điều chỉnh quy định về thời gian cách ly. Với các ca dương tính, thời gian cách ly là 7 ngày. Thời gian cách ly sẽ kết thúc khi người bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không còn triệu chứng.
Tuy nhiên, thời gian cách ly có thể sẽ kết thúc sớm hơn nếu người mắc có kết quả âm tính vào ngày thứ 5 tiến hành xét nghiệm lại sau thời điểm xác định dương tính.
Theo quy định hiện hành tại Thổ Nhĩ Kỳ, người có tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2 sẽ không phải cách ly nếu đã tiêm mũi tăng cường hoặc phơi nhiễm virus này trong 3 tháng gần nhất./.
Theo TTXVN