Cơ sở năng lượng hạt nhân ở Cattenom, miền đông nước Pháp - Ảnh: AFP
Hồi tháng 3-2023, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất cải cách nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn và tăng tính cạnh tranh của ngành công nghiệp năng lượng. Kế hoạch dự kiến thống nhất vào tháng 6-2023, tuy nhiên nỗ lực này đang bị kẹt bởi bất đồng giữa Đức và Pháp.
Bất đồng vì lợi ích kinh tế
EU đang tìm giải pháp thỏa đáng trước khi các bộ trưởng năng lượng của khối bước vào cuộc họp tại Luxembourg ngày 17-10.
Pháp và Đức, hai đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU), từ lâu đã có quan điểm trái ngược về năng lượng hạt nhân, thể hiện trong chính sách của hai nước này.
Theo báo Financial Times, Pháp là quốc gia sản xuất 2/3 năng lượng từ các nhà máy hạt nhân và dự tính xây dựng nhiều lò phản ứng hơn.
"Năng lượng hạt nhân là một phần lợi ích sống còn của Pháp. Người Pháp thà rời khỏi châu Âu còn hơn quay lưng lại với hạt nhân" - một quan chức cấp cao của Pháp từng nói.
Trong khi đó, Đức với những ám ảnh về bom hạt nhân đã đóng cửa những nhà máy hạt nhân cuối cùng trong năm nay. Berlin lo rằng việc tập trung vào hạt nhân sẽ cản trở những tiến bộ về năng lượng tái tạo. "Đối với Đức, chủ đề năng lượng hạt nhân đã chấm dứt", Thủ tướng Olaf Sholz khẳng định mới đây.
Tuy nhiên, bất đồng lần này còn liên quan đến lợi ích kinh tế. Theo đề xuất cải cách thị trường năng lượng, các nước châu Âu muốn ổn định giá bằng các hợp đồng dài hạn gọi là hợp đồng chênh lệch (CFD).
CFD là một thỏa thuận theo đó chính phủ sẽ trả cho nhà sản xuất năng lượng một mức giá cố định. Nếu giá thị trường cao hơn giá đã thỏa thuận, nhà sản xuất sẽ trả phần chênh lệch cho chính phủ. Ngược lại, nếu giá thấp hơn, chính phủ sẽ trả phần chênh lệch cho nhà sản xuất. Kế hoạch này nhằm tạo nguồn đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo.
Pháp, với 56 lò phản ứng hạt nhân, đang vận động để đưa năng lượng hạt nhân vào các hợp đồng CFD. Tuy nhiên, Berlin lo ngại việc này sẽ giúp Paris có lợi thế cạnh tranh do năng lượng hạt nhân rẻ hơn so với giá điện thông thường, và phần doanh thu dư ra có thể dùng để trợ giá cho ngành công nghiệp năng lượng.
Ngược lại, Đức đề xuất biểu giá điện được nhà nước trợ giá cho các ngành sử dụng nhiều năng lượng - điều mà Paris bác bỏ vì giúp Berlin có lợi thế cạnh tranh.
Đứng về phía Pháp là các quốc gia ủng hộ hạt nhân khác như Hungary, Cộng hòa Czech và Ba Lan, trong khi Đức có sự đồng tình của Áo, Luxembourg, Bỉ và Ý.
Toàn bộ cuộc tranh luận không hẳn là về công nghệ hạt nhân mà là về chính sách công nghiệp và việc đạt được lợi thế từ năng lượng giá rẻ cho ngành công nghiệp của mình.MARKUS KREBBER (giám đốc điều hành nhà sản xuất điện RWE của Đức)
Đề xuất thỏa hiệp
Quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch của EU đang đối diện thế bế tắc, trong bối cảnh khu vực này đang tìm cách đảm bảo năng lượng sau khi mất đi nguồn cung khí đốt từ Nga và cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc.
Ông Henning Gloystein, giám đốc khí hậu, năng lượng và tài nguyên của Tập đoàn Eurasia, cho rằng nếu cả Đức và Pháp ăn miếng trả miếng về trợ cấp năng lượng, trong đó mỗi bên trợ giá các ngành công nghiệp của mình, "nó có thể kết liễu thị trường điện bán sỉ EU vì hầu hết mức tiêu thụ sẽ bị khóa ở mức giá cố định".
Trong khi đó, các quốc gia thành viên nhỏ hơn đang mất kiên nhẫn. "Chúng ta đang gặp vấn đề với năng lực cạnh tranh của toàn châu lục mà bây giờ chúng ta lại đang tập trung vào việc làm thế nào để có được lợi thế cạnh tranh với nhau. Hướng này sẽ không giúp ích gì cho chúng ta, nó sẽ không đưa chúng ta tiến về phía trước" - tờ Financial Times dẫn lời ông Jozef Sikela, bộ trưởng năng lượng Czech, nhận định.
Một quan chức không nêu tên của bộ năng lượng từ một quốc gia EU chỉ trích sự chậm trễ trong cải cách thị trường "một lần nữa cho thấy sự kém cỏi lớn của Pháp - Đức".
EC cho biết họ duy trì lập trường "trung lập về công nghệ" và sẽ không can thiệp vì các chính sách của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, Tây Ban Nha, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, đã đề xuất một "thỏa hiệp", theo đó chỉ dành ưu ái cho các cơ sở sản xuất điện mới.
Thỏa hiệp này đề xuất "tập trung vào các chương trình hỗ trợ giá trực tiếp cho các khoản đầu tư vào các cơ sở sản xuất điện mới". Điều đó có nghĩa các nhà máy điện hiện tại sẽ không thể tham gia các hợp đồng CFD, phần nào sẽ gây bất lợi cho các nhà máy điện hạt nhân hiện nay của Pháp.
Tuần trước, Pháp và Đức đã cam kết sẽ sớm tìm được tiếng nói chung. Nhưng ngay cả khi đạt được thỏa thuận vào phút cuối, cuộc đấu tranh về năng lượng giữa hai nước vẫn đang len lỏi vào tất cả các cuộc đàm phán hiện tại của châu Âu về chủ đề này.
Chẳng hạn, Đức muốn mở rộng lưới điện trên diện rộng trên lục địa để có thể nhập khẩu năng lượng, còn Pháp muốn dựa vào hệ thống lò hạt nhân trong nước. Ngoài ra, Pháp muốn có khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất hydro sạch, trong khi Đức lại lưỡng lự.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online