Theo số liệu do Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) mới công bố, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế số một châu Âu đã chạm mốc 7,9% trong tháng 5-2022. Đây là mức cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất, trở thành rủi ro lớn đối với nền kinh tế nước này.

1 Nen Kinh Te Duc Doi Mat Voi Nhieu Rui Ro Khi Lam Phat Lien Tuc Tang Cao Ki Luc

Hiện Đức đang dồn mọi nguồn lực nhằm giải quyết bài toàn kinh tế đặc biệt phức tạp, sau khi ghi nhận mức lạm phát cao kỷ lục trong 5 thập kỷ vừa qua – hệ quả của đại dịch Covid-19 và chiến sự tại Ukraine.

Lạm phát kỷ lục tại Đức có sự liên hệ mật thiết với xung đột ở Ukraine. Hồi tháng 2, chỉ số này chỉ ở mức 5,1%, nhưng đã nhảy vọt lên 7% trong tháng 3 – ngay sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine.

Cùng với đó, giá năng lượng tăng cao trên toàn cầu càng “đổ dầu vào lửa”. Giá năng lượng ở Đức hiện đã tăng 38,3% so với cùng thời điểm năm ngoái. Ngoài ra, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và sản phẩm trung gian đầu vào không những khiến nhiều ngành công nghiệp của Đức phải vật lộn duy trì sản lượng mà còn nâng giá cả thành phẩm trên thị trường.

Tỷ lệ lạm phát gia tăng nhanh chóng khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp nội địa Đức đối mặt với mức giá cao hơn đối với nhiều loại sản phẩm và dịch vụ, khiến sức mua giảm. Tới nay, giá thực phẩm ở Đức đã tăng 11,1% so với thời điểm cách đây 1 năm. Dự báo chi phí hàng hóa thiết yếu ở Đức sẽ tiếp tục tăng, đài DW (Đức) dẫn ý kiến của chuyên gia Aurelien Duthoit tại Allianz Trade cho rằng, mức tăng có thể lên tới 10,7% trong năm 2022, đồng nghĩa là chi tiêu các hộ gia đình có thể sẽ tăng khoảng 250 euro/người.

2 Nen Kinh Te Duc Doi Mat Voi Nhieu Rui Ro Khi Lam Phat Lien Tuc Tang Cao Ki Luc

Trước những diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đánh giá, lạm phát đã trở thành rủi ro lớn đối với nền kinh tế Đức, nhấn mạnh phải “chiến đấu” để đẩy lùi tình trạng này trước khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế với “lạm phát tự tạo ra vòng xoay nuôi dưỡng chính nó”. Trên tinh thần đó, Chính phủ Đức coi việc chống lạm phát cao là ưu tiên hàng đầu trong chính sách tài khóa lúc này.

Bước đầu, Hạ viện Đức đã thông qua một gói các biện pháp cứu trợ, trong đó có giảm chi phí điện. Ngoài ra, Berlin cũng dự thảo một loạt chính sách giảm gánh nặng cho người tiêu dùng như giảm giá vé tháng cho những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng; giảm giá cho tài xế nạp nhiên liệu tại các trạm xăng…

Tuy nhiên, những nỗ lực trợ giá dù giúp gánh nặng chi phí của người dân nhẹ bớt, nhưng đè nặng lên ngân sách quốc gia. Theo các ước tính, chỉ riêng khoản hỗ trợ xăng dầu sẽ khiến ngân sách Đức phải chi thêm khoảng 3 tỷ euro.

Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, sẵn sàng có các hành động nếu cần thiết để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp. Đây là điều cần thiết để giảm áp lực cho người dân trong bối cảnh các báo cáo cho thấy thu nhập người dân Đức đã giảm khoảng 1,8% trong quý I-2022 so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giới quan sát, tình trạng lạm phát leo thang ở Đức cũng tương đồng với diễn biến khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Eurostat cho biết, lạm phát của 19 quốc gia nhóm này đã tăng lên 8,1% trong tháng 5, so với mức 7,4% trong tháng 4, đang gây sức ép lớn khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải cân nhắc tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, đồng thời chấm dứt chương trình mua trái phiếu. Thực tế này có phần đến từ sự chủ quan của các nhà hoạch định chính sách, khi cho rằng giá tiêu dùng tăng vọt thuần túy là do đại dịch Covid-19.

Nếu các biện pháp của ECB tỏ ra hiệu quả, kinh tế Đức sẽ sớm thoát khỏi vũng lầy lạm phát để trở lại lộ trình ổn định vốn có. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh các biện pháp hạn chế liên quan tới dịch Covid-19 được dỡ bỏ, giúp nhiều lĩnh vực thế mạnh của Đức khởi sắc.

Nguồn: hanoimoi.com.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC