Theo kết quả khảo sát do Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank thực hiện, chưa đến nửa số tiền chi ở Đức năm ngoái là bằng tiền mặt.
Ảnh: Reuters
Theo CNN, Bundesbank cho biết đây không phải là lần đầu tiên tiền mặt không còn là phương thức chiếm phần lớn tổng số tiền được chi tiêu. Giao dịch tiền mặt hiện chiếm 48% số tiền được chi, giảm 5 điểm phần trăm so với năm 2014.
Người Đức thực tế không chuyển sang dùng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ nhanh như dân ở các nền kinh tế phát triển khác. Thay vào đó, họ thích dùng tiền giấy và tiền xu để mua sắm.
Bundesbank cho hay trung bình, ví tiền của người Đức có 107 EUR, tương đương 132 USD, tiền mặt.
Đây là một trong các số liệu cao nhất ở châu Âu, cao hơn nhiều so với mức tiền mặt trung bình của dân Pháp và Bỉ là khoảng 30 EUR, tương đương 37 USD. Có một số lý do khiến dân Đức ưa dùng tiền mặt hơn các hình thức thanh toán khác. Nhiều người Đức cho rằng tiền mặt là cách trả tiền riêng tư và nhanh chóng hơn.
Hơn 3/4 số người Đức cho biết họ lo lắng về việc một số người không thể sống trong một xã hội không có tiền mặt.
71% người Đức cho biết tiền mặt là cách tốt để dạy trẻ em về tiền bạc. 64% cho rằng tiền mặt sẽ giúp kiểm soát chi phí tốt hơn. Ở Đức, thẻ tín dụng ít phổ biến hơn thẻ ghi nợ.
Dù vậy sự thay đổi trong thói quen tiêu tiền của dân Đức còn phụ thuộc vào số tiền được chi tiêu. Đơn cử, dân Đức vẫn dùng mặt trong 74% giao dịch cá nhân. Tỷ lệ này tăng lên thành 96% khi họ chi từ 5 EUR trở xuống. Chỉ khi trả trên 50 EUR, người Đức mới thích dùng thẻ hay thanh toán điện tử.
Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco, người Mỹ dùng tiền mặt cho 32% giao dịch cá nhân.
Con số này ở Phần Lan, Estonia và Hà Lan là 50%. Một số chuyên gia cho rằng nhu cầu tiền mặt vẫn sẽ tồn tại trên thế giới. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), 1/4 dân châu Âu giữ tiền mặt tại gia như một khoản dự phòng.
Nguồn: Thu Thảo
Báo Thanh Niên