Nơi lũ lụt hoành hành
Mưa lũ trong năm ngoái đã tàn phá nhiều nơi trên thế giới, nhưng có lẽ ngạc nhiên nhất là những nước giàu có ở Tây Âu cũng “cùng cảnh ngộ” với các nước nghèo. Tình trạng mưa lũ khủng khiếp khiến nhiều nước trong khu vực thiệt hại nặng nề về người và của. Thời tiết cực đoan đến nỗi nó được mô tả là “thảm họa”, “vùng chiến sự” hay “sự kiện chưa từng có”.
Trong đó, Đức là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những cơn mưa như trút nước tại đây hồi giữa tháng 7 đã gây ra thảm họa lũ quét.
Trận lũ tồi tệ nhất trong nhiều thập niên này khiến ít nhất 220 người thiệt mạng, hơn 1.000 người mất tích, hàng chục ngàn người không thể trở về nhà và nhiều người phải sơ tán.
Toàn bộ các thị trấn tại miền Tây nước Đức chìm trong biển nước, hệ thống giao thông hư hại nghiêm trọng.
Tại Bỉ, hơn 40 người chết do mưa lũ, trong khi hàng trăm người mất tích.
Còn tại Áo, tỉnh Tây Tyrol chứng kiến mực nước tại một số khu vực ở mức cao chưa từng thấy trong hơn 30 năm qua. Cơ quan thời tiết quốc gia Pháp cũng ban bố cảnh báo cho 5 khu vực ở phía Đông Bắc nước này.
Chỗ nắng nóng như thiêu đốt
Chưa khắc phục xong hậu quả của cơn “đại hồng thủy”, châu Âu lại phải hứng chịu đợt nắng nóng dữ dội, cháy rừng trên diện rộng. Theo tờ Politico, lục địa già bị nung nóng trong đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất nhiều chục năm qua.
Cụ thể, nhiệt độ ở Hy Lạp có lúc lên tới 48 độ C, mức cao kỷ lục mọi thời đại. Theo dữ liệu từ Hệ thống Thông tin cháy rừng châu Âu, có tới hơn 100.000 héc-ta rừng và đất nông nghiệp ở Hy Lạp đã bị cháy trong đợt nắng nóng năm ngoái. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis gọi những đám cháy rừng là “thảm họa sinh thái lớn nhất trong hàng mấy thập niên” ở nước này.
Riêng Thổ Nhĩ Kỳ có lúc ghi nhận nhiệt độ ở mức kỷ lục 49,1 độ C. Nhiệt độ cao khiến cháy rừng hoành hành dữ dội tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Phần Lan, thiêu rụi nhiều nhà cửa, tài sản, rừng, gia súc và cả động vật hoang dã, buộc hàng ngàn người phải sơ tán.
Không riêng châu Âu, Bắc Mỹ cũng phải trải qua “mùa hè đỏ lửa”. Nhiều bang của Mỹ và Canada đã chứng kiến những cơn sóng nhiệt xô đổ các kỷ lục trước đó. Đơn cử, nhiệt độ tại Thung lũng Chết của Mỹ có lúc lên tới 54,4 độ C, phá kỷ lục được ghi nhận vào năm 1913. Miền Tây nước Mỹ thậm chí đã trải qua đợt khô hạn nhất kể từ năm 1580. Bên cạnh việc khiến hàng trăm người chết, các đợt sóng nhiệt này còn gây ra cháy rừng ở Mỹ và Canada, thiêu rụi và phá hủy nhiều khu dân cư.
“Biến đổi khí hậu giờ đây không chỉ là vấn đề của nước nghèo mà còn là của nước giàu. Những nước giàu đã bắt đầu mệt mỏi”, Debby Guha-Sapir, nhà sáng lập cơ sở dữ liệu thiên tai quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học về thảm họa (Bỉ), nhận định. Bà Guha-Sapir cảnh báo nắng nóng sẽ là thách thức lớn ở các nước phương Tây đang đối mặt tình trạng già hóa dân số, bởi người lớn tuổi dễ bị ảnh hưởng từ nắng nóng cực đoan.
Dân Canada ngâm mình trong nước để chống chọi với cái nóng như thiêu đốt. Ảnh: Reuters
Cam kết của các nước phát thải lớn
rong bối cảnh đó, nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái ở Anh, tất cả 197 quốc gia tham gia đã thông qua Hiệp ước Khí hậu Glasgow, khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C.
Nhà cửa sụp đổ trong trận lũ lụt kinh hoàng tại Đức.
Các nước cũng đưa ra nhiều cam kết quan trọng. Trong đó, nổi bật nhất là hơn 100 quốc gia khẳng định chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Gần 100 nước cũng cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan, vốn được xem là một trong những cách tốt nhất để giảm nhanh sự nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, 40 quốc gia tuyên bố loại bỏ điện than, nhiên liệu đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu.
Riêng Mỹ và Trung Quốc ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu. Theo đó, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cam kết sẽ hợp tác để xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 ở mỗi nước lần lượt vào năm 2050 và 2060, đồng thời giải quyết các vấn đề về phát thải khí metan, chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm phát thải carbon.
Ấn Độ cũng cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2070. Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ là 3 nước phát thải khí nhà kính lớn nhất hành tinh, chiếm tỷ trọng 27%, 11% và 6,6% vào năm 2019, theo Hãng tư vấn Rhodium Group.
TRÍ VĂN
Báo Cần thơ