Phát biểu tại diễn đàn kinh tế ở thành phố Mainz của Đức ngày 12/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng châu Âu đang trở nên dễ bị tổn thương hơn vì EU không thể bảo đảm trật tự và kiểm soát tình hình với những người tị nạn.
Bà Merkel cũng tuyên bố rằng, sự ổn định của đồng tiền chung châu Âu liên quan đến quyền đi lại tự do bên trong EU.
“Không thể hành xử như thể là có thể có chung một đồng tiền duy nhất mà lại không có khả năng qua lại biên giới một cách tương đối tự do”, Thủ tướng Đức tuyên bố.
Theo bà Merkel, việc hạn chế qua lại biên giới tự do sẽ dẫn đến tình trạng là thị trường duy nhất của liên minh châu Âu “bị ảnh hưởng mạnh”, vì vậy, với tư cách là một trong những trung tâm của EU và là nền kinh tế lớn nhất của khối này, Đức cần lên tiếng ủng hộ quyền được di chuyển tự do trong EU.
Người tị nạn chụp ảnh kỷ niệm với bà Merkel - Ảnh: Reuters
Về vấn đề này, hôm 6/1, bà Merkel cho biết muốn giảm lượng người nhập cư vào EU song vẫn muốn duy trì các đường biên giới mở trong nội khối.
Theo bà Merkel, điều quan trọng hiện nay là đạt được một giải pháp vừa giúp giảm đáng kể số người nhập cư mà vẫn bảo vệ được quy tắc về tự do đi lại của EU.
Theo giới chuyên gia phân tích, trước những thông tin trên có lẽ giờ bà Merkel đã hối hận khi tuyên bố Đức sẽ mở cửa không giới hạn cho những người tị nạn chạy trốn chiến tranh và áp bức.
AP dẫn lời một số nhà quan sát nhận định bất chấp hìn ảnh trái ngược, trên thực tế bà Merkel luôn hành xử với phong cách nhất quán trong cả hai cuộc khủng hoảng.Được biết, trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel từ bị chỉ trích là “nhà độc tài” trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã trở thành “người anh hùng” của dòng người tị nạn đang đổ vào lục địa già.
Bà Merkel không làm hài lòng tất cả mọi người với cách tiếp cận này. Vài quốc gia ủng hộ quan điểm cứng rắn của bà trong việc xử lý giải quyết khủng hoảng nợ Hi Lạp như các nước Baltic và Slovakia, giờ đang phản đối kế hoạch của EU là phân bổ người nhập cư tới các nước khu vực theo “hạn ngạch” bắt buộc.
Tuy nhiên “người đàn bà thép” 61 tuổi tỏ ra rất kiên định, và tỷ lệ ủng hộ của người dân trong nước dành cho bà vẫn rất cao ở thời điểm bà sắp kỷ niệm 10 năm cầm quyền.
Việc bà Merkel khẳng định Đức và EU phải có nghĩa vụ tiếp nhận người tị nạn đã đem lại cho bà nhiều lời ca ngợi và sự thiện cảm lớn. Rất nhiều người tị nạn gọi bà là “mẹ Merkel”.
Nhà phân tích Manfred Guellner, người đứng đầu hãng khảo sát Forsa, nhận định một đặc điểm của bà Merkel là sự thực tế. “Bà ấy đang hành động rất thực tế. Bà ấy luôn cẩn trọng đi chậm một bước” - chuyên gia Guellner khẳng định.
Theo ông Guellner, bà Merkel xác định phải hỗ trợ người tị nạn vì hình ảnh của nước Đức. Mới đây, bà cũng tuyên bố: “Tôi mừng là Đức đã trở thành một đất nước mà người nước ngoài gắn liền với sự hi vọng. Đây không phải là vấn đề của tôi mà của đất nước, của người dân”.
Bà Merkel cũng chỉ rõ việc tiếp nhận người tị nạn sẽ đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế Đức với dân số đang ngày càng già đi, thiếu lao động trẻ. Bà kêu gọi người tị nạn học tiếng Đức, hòa nhập với xã hội, không tự cô lập mình.
Gia Hân (Tổng hợp)