“Tôi tới Đức vì ai cũng nói nơi đây là thiên đường. Tôi đang cảm thấy hối tiếc vì quyết định đó”...
Tháng 10/2015, Amer bán hết nhà cửa ở Syria và đưa gia đình di cư tới Đức. Chỉ 4 tháng sau, Amer muốn quay về nước, dù Syria vẫn trong tình trạng nội chiến.
Theo tờ Wall Street Journal, khi tới Đức, Amer nhận ra một sự thật mà trước đó anh không ngờ tới. Trước chuyến di cư, anh hy vọng sẽ có được một ngôi nhà nhỏ và số tiền đủ để kinh doanh. Nhưng khi đặt chân tới “thiên đường”, Amer chỉ có được một căn phòng trống không trong một tòa nhà công quyền đã cũ kỹ được chuyển đổi thành một chỗ ở khẩn cấp cho người di cư.
Giờ thì Amer và gia đình anh lại một lần nữa đóng gói đồ đạc.
“Tôi tới Đức vì ai cũng nói nơi đây là thiên đường. Tôi đang cảm thấy hối tiếc vì quyết định đó”, người đàn ông 30 tuổi đến từ Damascus nói.
Năm ngoái, 1,1 triệu người di cư, chủ yếu là người Arab, Afghanistan và châu Phi, đã đổ tới Đức để chạy trốn chiến tranh và đói nghèo. Nhiều người trong số họ đã phải vượt qua những nguy hiểm đe dọa đến tính mạng trên hành trình di cư.
Nhà chức trách Đức đã phải chật vật giải quyết làn sóng người di cư, trong khi Thủ tướng nước này Angela Merkel hiện đang phải đối mặt với sự bất bình ngày càng lớn của dân chúng liên quan đến chính sách “dang rộng vòng tay” đón người di cư của bà.
Sự bất mãn của người dân Đức với chính sách người di cư của Thủ tướng Merkel đặc biệt tăng mạnh sau loạt vụ tấn công tình dục của các đối tượng nam giới nước ngoài nhằm vào phụ nữ địa phương trong đêm giao thừa vừa qua ở thành phố Cologne.
Tuy nhiên, giống như Amer, nhiều người di cư cũng đã nhận ra rằng thực tế ở nước Đức không giống như những gì mà họ mong đợi. Những người di cư này trở nên bực bội vì mức trợ cấp ít ỏi, triển vọng việc làm nghèo nàn, và cách mà họ bị đối xử “rắn” ở các văn phòng nhập cư.
Họ còn “kêu ca” về nhiều vấn đề khác, từ chuyện đồ ăn nhạt nhẽo cho tới tư tưởng cởi mở của người Đức đối với tình dục.
Một số người di cư đến Đức trong thời gian gần đây đang tính chuyện về nước. Thực tế này cho thấy những thách thức to lớn mà nước Đức phải đối mặt trong việc hòa nhập một số lượng kỷ lục người di cư, trong khi dòng người di cư đổ tới vẫn chưa dứt.
Thủ tướng Merkel nói rằng con đường tốt nhất để người di cư hòa nhập vào xã hội sở tại là thông qua công ăn việc làm. Nhưng hầu hết người di cư đều phải đối mặt với một chặng đường rất dài và không hề dễ dàng, từ các trại di cư cho tới một nơi ở và việc làm ổn định.
Các chuyên gia kinh tế từ lâu đã cảnh báo rằng những người di cư có trình độ, kỹ năng thấp như Amer, gần như không bao giờ có cơ hội tìm được việc làm ở Đức. Dù một số lãnh đạo chính trị nói người di cư sẽ giúp Đức khắc phục tình trạng thiếu công nhân trong tương lai, nhiều ý kiến nói người di cư có thể trở thành một gánh nặng lâu dài đối với người đóng thuế của nước này.
Không có thống kê chính thức nào về người di cư tự mình từ bỏ nước Đức để quay trở lại đất nước của họ. Văn phòng nhập cư của Đức nói họ chỉ có thống kê về số người di cư rời khỏi nước này thông qua các chương trình hợp tác với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM).
Vào năm 2015, có tổng cộng 37.220 người di cư tự nguyện rời khỏi Đức theo những chương trình như vậy, so với con số 13.574 người trong năm 2014. Hầu hết những người rời đi là người di cư đến từ các nước vùng Balkan, ít có cơ hội được tị nạn ở Đức.
Tuy nhiên, số người di cư Iraq rời khỏi Đức trong năm 2015 đã tăng gấp 4 lần so với năm 2014, lên mức 724 người.
Đối với người Syria, việc quay về nước khó khăn hơn so với người di cư đến từ các quốc gia khác. Người Syria di cư hiện nay không được hỗ trợ để quay về bởi tình hình an ninh ở nước này. Bởi vậy, một số người đã quyết định quay về các nước láng giềng với Syria như Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordan - nơi nhiều người Syria đã xin tị nạn trước khi lên đường di cư sang Đức.
Amer cho biết, trước khi rời Syria, anh nghe nói người tị nạn ở Đức được nhận mỗi tháng khoảng 500 Euro (546 USD) tiền trợ cấp. Con số này khá chính xác, nhưng Amer khi đó đã không hề biết rằng mọi thứ ở Đức đắt đỏ hơn nhiều so với ở Syria.
“Có lẽ tôi phải mất 10 năm để có được mức sống tối thiểu của người Đức và tiếng Đức có vẻ là thứ ngôn ngữ mà tôi không thể học được”, Amer - một chủ tiệm tạp hóa khi ở Syria và chưa từng học đại học - than thở.
Amer đã chi 15.000 Euro, tất cả những gì mà anh có, để đưa vợ, con trai và em rể tới Đức. Giờ thì anh vẫn chưa biết sẽ đào đâu ra tiền cho chuyến quay về nhà của cả gia đình.
“Tôi có thể chết ở đó, nhưng cũng có thể chết ở đây”, Amer nói. “Đó là số phận của tôi rồi”.
vneconomy.vn