Sau các sự kiện kinh hoàng tại Pháp 2015, châu Âu năm 2016 vẫn là mảnh đất được khủng bố "ưu tiên" với các cuộc tấn công đẫm máu trải dài suốt năm.
Từ Brussels qua Nice tới Berlin...
Chưa hết xáo động bởi sự kiện đêm 13/11/2015 tại Paris (Pháp), sáng 22/3/2016, châu Âu và thế giới lại chấn động bởi một loạt các cuộc tấn công khủng bố bằng thuốc nổ nối tiếp nhằm vào sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maalbeek ở thủ đô Brussels của Bỉ khiến 31 người chết, hàng trăm người bị thương.
Foto: AP
Màn khủng bố dạo đầu 2016 của nhóm các phần tử IS đã nhằm vào trung tâm của châu Âu, gần ngay trụ sở của Ủy ban EU và đại bản doanh của NATO.
Qua điều tra, người ta phát hiện những kẻ liên quan đến các vụ đánh bom trên và cả các vụ tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) năm 2015 thường hay qua lại Molenbeek, một khu vực nằm ở ngoại ô Brussels, tập trung nhiều người Arab-Hồi giáo sinh sống và chịu ảnh hưởng nặng bởi tư tưởng Wahhabit bảo thủ.
Tại đó, các phần tử khủng bố dễ dàng lui tới, ẩn náu, móc nối với nhau, chế tạo thuốc nổ, mua sắm súng ống từ "chợ đen" và triển khai hoạt động tại Brussels, Paris và nhiều nơi quan trọng khác ở Tây Âu.
Châu Âu sau đó như lên cơn sốt bởi "hội chứng Molenbeek", bởi bên cạnh Molenbeek, ở Bỉ, Pháp và các nước Tây Âu còn nhiều địa danh tương đồng như Vervier Forest, Schaerbeek, Saint-Denis... hệ quả của lịch sử thực dân, của làn sóng di cư.
Pháp - Quốc khánh thành ngày Quốc tang
Tại Pháp tiếp nối với sự kiện tối 13/6, một cặp vợ chồng sỹ quan cảnh sát Pháp bị tên Larossi Abballa dùng dao sát hại tại nhà riêng ở khu Magnanville ngoại ô Paris, và vụ "xe điên" tại Nice (Pháp) đúng đêm Quốc khánh Pháp 14/7.
Thảm họa đã ập tới khi một chiếc xe tải cỡ lớn, nặng 19 tấn, do Mohamed Lahouaiej-Bouhel (một thanh niên Pháp gốc Tunisie, theo đạo Hồi, chịu ảnh hưởng của IS) lái, điên cuồng lao vòng vèo trên đại lộ nổi tiếng thơ mộng ven biển ở Nice La Promenade des Anglais, cán qua dòng người trên một đoạn dài gần 1km, để lại sau nó 84 xác chết và trên 100 người bị thương.
Chiếc xe chỉ dừng lại sau khi nhận cơn mưa đạn của cảnh sát, kẻ khủng bố bị bắn hạ.
Lần đầu tiên ở Pháp, ngày Quốc khánh trở thành Quốc tang.
Tiếp đó, ngày 26/7, hai kẻ lạ mặt đã đột nhập vào nhà thờ Cơ đốc giáo Saint-Etienne-du-Rouvray, thuộc thành phố Rouen xứ Normandy, và bắt Cha xứ Jaques Hamel - 84 tuổi, cùng 4 người khác, làm con tin.
Các phần tử khủng bố đã sát hại Cha xứ Jaques Hamel hết sức dã man bằng dao trước khi bị cảnh sát bao vây và bắn hạ.
Khủng bố cũng gia tăng tại Đức
Điều đáng lưu ý là các vụ tấn công khủng bố gia tăng mạnh tại Đức.
Chỉ trong vòng 5 tháng cuối năm 2016, nước Đức đã phải chứng kiến 3 vụ tấn công vào những nơi công cộng, tập trung đông người.
Ngày 19/7/2016 tại Wurzburg, một thanh niên tị nạn người Afghanistan đã tấn công bằng rìu trên một chuyến tàu ở miền Nam khiến 4 người bị thương nặng, 20 người khác bị thương.
Ngày 22/7/16 tại München, một vụ xả súng đã xảy ra trong 1 trung tâm mua sắm khiến 9 người thiệt mạng và 20 người khác bị thương.
Và sự kiện kinh hoàng tối 19/12/2016 vừa qua với 12 người chết, 48 người bị thương khi một chiếc xe tải hạng nặng lao điên cuồng vào đám đông tại một chợ Noel ở trung tâm thủ đô Berlin.
Một sự tái hiện kỳ lạ kịch bản đã diễn ra tại đại lộ Promenade des Anglais, thành phố Nice (Pháp) đêm 14/7/2016.
Trong báo cáo của Europol đưa ra vào tháng 11/2016, Đức được xếp là nước có nguy cơ bị khủng bố lớn thứ 3 trong thời gian tới, sau Pháp và Bỉ.
Nhận định của Europol là nguy cơ lớn khiến Đức bị đe doạ là do những kẻ tuyển mộ của IS có thể dễ dàng tìm được một lượng lớn người tị nạn Syria trên đất Đức và nhồi nhét vào đầu những kẻ bất mãn các tư tưởng cực đoan.
Trên thực tế, cảnh sát và an ninh Đức đã hoạt động rất mạnh trong thời gian qua và đã ngăn chặn khoảng 300 vụ có âm mưu gây rối hoặc khủng bố trong vài tháng qua.
Khoảng 5.000 công dân châu Âu trốn sang Syria gia nhập IS
Cuộc họp cuối năm của các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu đưa ra một con số giật mình: trong vài năm qua đã có khoảng 5.000 công dân châu Âu tìm cách trốn sang Syria gia nhập hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và sẽ có khoảng 1.500 đến 1.750 phần tử cực đoan tìm đường trở lại châu Âu trong thời gian tới sau các thất bại của IS trên chiến trường Syria và Iraq.
Trong đó, mối đe doạ lớn nhất là đối với 2 nước Bỉ và Pháp, những nước có các công dân bỏ sang Syria gia nhập IS đông đảo nhất.
Dự kiến, có khoảng 700 phần tử cực đoan từ Trung Đông sẽ tìm cách xâm nhập trở lại Bỉ và Pháp, tạo nên nguy cơ có một làn sóng khủng bố mới cực kỳ nghiêm trọng.
Hiện lãnh địa của IS tại Iraq và Syria đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khi Mỹ và Liên quân đang đẩy mạnh chiến dịch tiêu diệt IS với các chiến dịch tái chiếm Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria).
Nga cũng góp phần vào tiến trình này khi hỗ trợ Chính phủ của tổng thống Syria al-Assad giành lại thành phố chiến lược Aleppo (Syria).
Giống như trường hợp của al-Qaeda trước đây sau khi các căn cứ tại Afghanistan bị tiêu diệt, IS đang phân tán, chuyển hướng hoạt động bí mật, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công trả đũa.
Châu Âu là một trong những địa bàn "ưu tiên" bởi nơi đây được coi là đại diện của phương Tây "ngạo mạn", đối lập với tư tưởng Hồi giáo “chính thống”.
Đây cũng là nơi các phần tử IS dễ thâm nhập theo dòng người tỵ nạn.
Hàng ngàn công dân châu Âu tham gia hàng ngũ IS tại Iraq và Syria đã và đang trở về bằng nhiều con đường khác nhau, rất khó kiểm soát.
Nhiều người trong số họ không dễ gì từ bỏ tư tưởng Hồi giáo cực đoan, và sẽ tiếp tục cuộc "Thánh chiến".
Khủng bố ngày càng đa dạng, khó lường
Nhìn lại các sự kiện năm qua thấy rõ, địa bàn và các hình thức khủng bố ngày càng đa dạng, khó lường.
Năm nay, ngoài địa bàn quen thuộc là Pháp, khủng bố đã diễn ra ở Bỉ, Đức...
Qua điều tra, đó là những nơi tiềm ẩn nguy cơ khủng bố và nằm trong kế hoạch tấn công quy mô lớn của IS.
Riêng sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố tại Đức xuất phát từ một số nguyên nhân, như: Đức cùng với Pháp hiện là trụ cột EU, cùng chia sẻ cuộc chiến chống IS; Đức là nơi tiếp nhận nhiều người tỵ nạn; Đức có tới 800 người tham gia cuộc chiến ở Syria-Iraq bên cạnh IS và nhiều người đã và sẽ trở về; Đức đã từng bắt giữ và tiêu diệt một số phần tử thành viên của tổ chức mật vụ "Amni" của IS như: Nils Donath; Harry Sarfo; Abdelhamid Abaaoud...
Mặc dù đã được cảnh báo trước thềm Giáng sinh, nhưng thảm họa ngày 19/12 vừa qua tại Berlin vẫn xảy ra, như theo bánh xe định mệnh, không gì cản được. Điều trớ trêu, đó là sự lặp lại y hệt thảm họa ở Nice trước đó không lâu.
Với 2 kịch bản tương đồng ở Nice (Pháp) và Berlin (Đức), việc dùng xe tải đâm vào dòng người là một hình thức khủng bố mới trong năm 2016, bên cạnh việc sử dụng các loại vũ khí quen thuộc như thuốc nổ, tiểu liên AK, súng ngắn, vũ khí lạnh (rìu, dao...).
Cách thức tiến hành cũng được đa dạng hóa
Có thể đó là một cuộc tấn công liên hoàn, với sự tham gia của nhiều phần tử khủng bố như các cuộc đánh bom sáng 22/3/2016 tại Brussels (Bỉ).
Có thể là cuộc tấn công của một nhóm nhỏ, được điều khiển từ xa bởi một tay Rachid Kassim nào đó, như sự kiện tại nhà thờ Cơ đốc giáo Saint-Etienne-du-Rouvray, thành phố Rouen (Pháp).
Cũng có thể là hành động đơn lẻ của một phần tử Hồi giáo cực đoan.
Hình thức này có xu hướng phát triển theo lời kêu gọi chủ động hành động của Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi và rất nguy hiểm, khó lường.
Một "con sói đơn độc", với một chiếc xe cướp được, có thể gây nên một thảm họa.
Cơ quan an ninh các nước châu Âu đã hết sức nỗ lực để đối phó với bóng ma khủng bố, như tăng cường quân số và phương tiện, tăng cường hợp tác trao đổi tin tức, kiểm soát đường biên, kiểm soát dòng người tỵ nạn...
Riêng Pháp đã phải gia hạn tình trạng khẩn cấp lần thứ 5, tới 15/7/2017.
Tuy nhiên, hiệu lực của những biện pháp ấy vẫn quá nhỏ nhoi so với mối đe dọa quá lớn, nhất là khi mối đe dọa nay lại từ chính những “con sói đơn độc” trong lòng châu Âu.
Theo Thái Dương
VOV-Paris