Đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD từ năm 1985, trong khi giá vàng lên mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 3.2014.
Cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã chính thức khép lại với kết quả 51,9% cử tri, trong đó phần lớn là người dân Anh và xứ Wales, lựa chọn Brexit (Anh rời EU) so với phe còn lại là 48,1%.
Kết quả trên được Chủ tịch Ủy ban bầu cử Jenny Watson công bố tại Manchester Town Hall.
Theo kết quả kiểm phiếu chính thức công bố ngày 24/6, 51,9% cử tri (17.410.742 người) đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU, trong khi chỉ có 48,1% cử tri (16.141.241 người) bỏ phiếu giữ Anh ở lại "ngôi nhà chung".
Lãnh đạo đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) Nigel Farage đã ca ngợi kết quả này là "ngày độc lập" của Liên hiệp Anh trong khi những người dân kêu gọi ở lại với EU gọi đây là một “thảm họa”.
Trước đó, các hãng truyền thông thế giới đã đồng loạt đăng tin kịch bản Brexit đang đến rất gần với nước Anh. Đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD từ năm 1985 khi thị trường phản ứng với kết quả cuộc trưng cầu.
Trong khi đó, trên thị trường kim loại quý, giá vàng giao ngay cũng tăng 8,1% lên mức 1.358,54 USD/ounce, mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 3/2014.
Giới lãnh đạo thế giới đã đồng loạt bày tỏ quan ngại về kết quả này.
Trong khi Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier gọi ngày hôm nay “một ngày buồn” đối với toàn châu Âu và cả nước Anh thì Ngoại trưởng Ba Lan lại kêu gọi EU nên thay đổi một số khái niệm của khối giai đoạn hậu Brexit.
Tại Vương quốc Anh, lượng cử tri đi bầu đạt tỷ lệ 71,8% - với hơn 30 triệu người bỏ phiếu – ghi dấu lượng cử tri đi bầu cao nhất trong một cuộc bỏ phiếu ở Anh kể từ năm 1992.
Dưới đây là một số dự báo về những rủi ro và lợi ích kinh tế đối với EU thời kỳ “hậu” Brexit:
- Về ngân khố
27 thành viên còn lại của EU sẽ phải bổ sung phần ngân sách còn thiếu của EU sau khi Anh cắt đứt với khối. Trong đó, Đức, thành viên lớn nhất của EU, được cho là sẽ phải đóng góp nhiều nhất, với số tiền ước tính lên đến khoảng 2,5 tỷ euro.
Theo kế hoạch, số tiền mà London phải đóng cho ngân sách EU trong năm 2016 lên đến 19,4 tỷ euro (tương đương 21,4 tỷ USD). - Về thương mại
Các nước thành viên còn lại của EU hiện có thặng dư thương mại hàng hóa khoảng 100 tỷ euro với Anh.
Theo các chuyên gia kinh tế, Brexit sẽ tạo ra các rào cản thương mại giữa London với EU, đồng thời khiến tăng trưởng kinh tế Anh suy giảm và đồng bảng Anh mất giá, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của liên minh sang “xứ sở sương mù”. - Về tổng thể
GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức được cho là sẽ thấp hơn khoảng từ 0,3-2% so với kịch bản khi Anh ở lại với EU. - Về đầu tư
Đây được cho là một trong những lợi ích hiếm hoi của Brexit đối với EU.
Vương quốc Anh hiện là quốc gia nhận được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất trong EU, với trung bình khoảng 56 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2010-2014.
Khi nước Anh rời khỏi EU và tự đánh mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thay vì đổ vào Anh, sẽ chuyển hướng sang các thành viên EU khác như Pháp hoặc Đức, Italy.
Nguyễn Trí Trung - TINTUCVIETDUC.DE
Tổng hợp từ Báo Đức