Sau khi thống nhất cùng EU gia tăng thêm trừng phạt 6 tháng với Nga, giới chức Đức lại hối thúc Thủ tướng Merkel cải thiện quan hệ với điện Kremlin.
Nghị sĩ Đức ép Thủ tướng Merkel cải thiện quan hệ với Nga
Mới đây, hơn 100 nhà khoa học, luật sư, thành viên các phong trào vì hòa bình và cả các nghị sỹ Quốc hội Đức đã ký vào bức thư công khai gửi đến Chính phủ và Thủ tướng Đức Angela Merkel với lời kêu gọi cần nhanh chóng phát triển các mối quan hệ thân thiện với Nga và từ bỏ các hành động gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực Đông Âu và Baltic.
“Nhân dịp lễ kỷ niệm lịch sử ngày 22/6/2016, chúng tôi sẽ có đề xuất đến Thủ tướng Angela Merkel và Chính phủ Đức: chỉ có chính sách hợp tác, cùng hiểu nhau với Nga và việc giải quyết các cuộc xung đột, mâu thuẫn trên cơ sở của luật pháp quốc tế mới có thể mở ra các triển vọng cho tương lai hòa bình của châu Âu…
Nghị sĩ Đức ép Thủ tướng Merkel cải thiện quan hệ với Nga
húng tôi kêu gọi cần phải rút ra những bài học sâu sắc nhất, đáng sợ nhất từ tất cả các cuộc chiến để có thể nâng quan hệ Nga-Đức lên tầm cao mới”- nội dung bức thư công khai trên chỉ rõ.
Những người ký vào bức thư này khẳng định, các mối liên kết về kinh tế có vị trí quan trọng hàng đầu đối với cả Nga và Đức. Vì vậy, thay vì xây dựng các căn cứ tên lửa ở Đông Âu và đưa binh sỹ Đức đến sát biên giới nước Nga, Berlin cần nỗ lực để củng cố các thể chế an ninh tập thể, ví dụ như OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu).
“Trong một văn kiện giữa Nga và NATO được ký kết tại Paris ngày 27/5/1997, NATO cam kết sẽ không bố trí lực lượng quân sự thường trực của mình ở Đông Âu. Tất cả các bên của thỏa thuận này đều thừa nhận rằng họ không phải là đối thủ của nhau và an ninh của tất cả các quốc gia trong cộng đồng châu Âu-Đại Tây Dương là không thể tách rời. Cần phải quay lại với các cam kết này để trong tương lai trung hạn, chính sách cấm vận kinh tế lẫn nhau sẽ được xóa bỏ”- nội dung thư nêu rõ.
Đức đang chơi trò mèo vờn chuột với Nga?
Bức thư của hơn 100 nhà khoa học, luật sư, thành viên các phong trào vì hòa bình và cả các nghị sỹ Quốc hội Đức gửi đến chính phủ nước này diễn ra ngay sau khi Berlin cùng các thành viên khác của EU đi đến thống nhất gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng. Giới phân tích cho rằng dường như Đức đang cố tình đùa giỡn với điện Kremlin với những quan điểm thiếu nhất quán trong lệnh trừng phạt của EU.
Thực tế ngày 21/6 vừa qua, các đại sứ của 28 nước thành viên Liên minh EU đã nhất trí sẽ kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế Nga đến hết tháng 1/2017 nhằm gây sức ép với Moskva về vấn đề khủng hoảng tại Ukraine.
Đức đang chơi trò mèo vờn chuột với Nga?
Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel vẫn kiên quyết rằng, lệnh trừng phạt Nga chỉ được gỡ bỏ khi thỏa thuận hòa bình ở Ukraine được tuân thủ hoàn toàn.
Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại thành phố Ise-Shima, Nhật Bản, hồi cuối tháng 5 vừa qua, bà Merkel cho rằng, G7 chưa có kế hoạch bãi bỏ các biện pháp cấm vận chống Nga liên quan đến cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.
“Còn quá sớm để xóa bỏ những biện pháp cấm vận nhằm vào Nga và G7 sẽ không thay đổi lập trường”, bà Merkel nói.
Dù lập trường của nhà lãnh đạo Đức kiên quyết như vậy, nhưng trong nội bộ giới chức nước này cũng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quyết định gia tăng trừng phạt đối với điện Kremlin.
Trong lần phát biểu mới đây với báo chí, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, EU nên dần gỡ bỏ trừng phạt Nga do tiến trình hòa bình ở Ukraine đang có tín hiệu tốt đẹp.
“Trừng phạt không phải là kết thúc. Chúng ta nên đưa ra một vài sư khích lệ nhằm đạt được thay đổi. Trừng phạt Nga nên được gỡ bỏ dần khi một phần của thỏa thuận Minsk được thực hiện. Cách tiếp cận kiểu “được ăn cả ngã về không” đang không cho thấy sự hiệu quả”, ông Steinmeier nhận định.
Ngoại trưởng Đức phủ nhận hoàn toàn việc ông đứng về phía Điện Kremlin khi cho biết, những xung đột lớn cần có nhiều cách nhìn nhận giải pháp khác nhau.
Lời đề nghị này đã từng được ông Steinmeier đưa ra tại thủ đô Tallinn của Estonia hôm 27/5.
“Tôi hy vọng trước khi kết thúc tháng 6 sẽ có tiến triển, và từ đó chúng tôi sẽ xem xét khả năng giảm trừng phạt từng bước một, hoặc giữ nguyên các biện pháp hiện có. Mục tiêu của chúng tôi không phải duy trì trừng phạt mà là giải quyết xung đột”, ông Steinmeier nhấn mạnh.
Với những tuyên bố đối lập trên có thể thấy rằng Đức đang thể hiện cách hành xử 2 mặt khó hiểu khi biến Nga thành trò đùa trong các tuyên bố về gia tăng trừng phạt của EU.
Trung Dũng (Tổng hợp)