Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner phát biểu tại phiên họp Hạ viện thảo luận về ngân sách tại Berlin, Đức,ngày 22/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner ngày 22/11 tuyên bố để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào tình trạng suy thoái và bất ổn trầm trọng, Đức sẽ phải gánh nhiều khoản nợ hơn dự kiến trong năm 2023.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Dự kiến, kế hoạch ngân sách sẽ được thảo luận tại Quốc hội Liên bang trong tuần này và được thông qua vào ngày 25/11.
Phát biểu với kênh truyền hình nhà nước ARD, ông Lindner nói: “Chúng ta đang ở trong giai đoạn kinh tế hết sức bất ổn”. Cường quốc công nghiệp Đức, vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt nhập khẩu của Nga, đang bị ảnh hưởng nặng nề từ giá năng lượng tăng cao sau khi Nga cắt nguồn cung liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine. Chính phủ dự báo kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới với mức giảm 0,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng Đức sẽ khôi phục chính sách “phanh nợ” (một điều khoản khẩn cấp được ghi trong hiến pháp) vào năm 2023, theo đó sẽ hạn chế các khoản vay mới hàng năm ở mức 0,35% GDP.
Thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, Chính phủ Đức đã dỡ bỏ chính sách “phanh nợ” để giảm bớt tác động của làn sóng các doanh nghiệp ngừng hoạt động. Tuy nhiên, việc khôi phục “phanh nợ” hiện là ưu tiên hàng đầu của Bộ Tài chính.
Để giúp chèo lái nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn mà không làm đảo lộn cam kết liên quan đến chính sách “phanh nợ”, Chính phủ Đức đã công bố một số “quỹ đặc biệt” được coi là tách biệt với ngân sách liên bang thông thường.
Một trong những quỹ trên là quỹ hiện đại hóa quân đội Đức trị giá 100 tỷ euro. Tiếp theo là gói cứu trợ 200 tỷ euro giúp bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng quá cao.
Cả hai quỹ trên đều được cấp vốn thông qua những khoản nợ mới. Mặc dù các đảng đối lập chỉ trích các quỹ này nhưng Bộ trưởng Lindner vẫn bảo vệ ngân sách năm 2023. Ông cho rằng với tổng trị giá khoảng 476 tỷ euro, ngân sách năm tới là “vững chắc” và “không có giải pháp thay thế”.
Đầu tháng này, Hội đồng cố vấn kinh tế của chính phủ đã đề xuất tạm thời tăng thuế đối với những người có thu nhập cao để giúp khoản tài trợ chi tiêu của chính phủ. Song ông Lindner loại trừ khả năng này, cho rằng điều đó sẽ cực kỳ rủi ro từ và có thể gây bất lợi cho việc làm và đầu tư.
Cùng ngày, Liên minh cầm quyền ở Đức giữa ba đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) cùng liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đối lập đã đạt được thỏa hiệp về cải cách phúc lợi xã hội. Đây là một trong những vấn đề quan trọng mở đường cho các biện pháp hỗ trợ người thất nghiệp học kỹ năng nghề trong bối cảnh không có việc làm.
Như vậy, sau nhiều tuần tranh cãi giữa các đảng, vấn đề cải cách phúc lợi xã hội đã tìm được tiếng nói chung và dự kiến thỏa hiệp vừa đạt được sẽ được Ủy ban hòa giải Quốc hội thông qua trong cuộc họp ngày 23/11.
Cải cách chính sách phúc lợi được đưa ra nhằm tạo thuận lợi hơn cho người thất nghiệp trong việc nhận trợ cấp trong khi vẫn giải quyết tình trạng thiếu lao động lành nghề tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Phương Hoa (P/V TTXVN Tại Berlin)