Theo nhà băng học Christoph Mayer thuộc Học viện Khoa học Bavaria ở Munich, các sông băng của Đức phải đối mặt với thời kỳ đặc biệt khó khăn so với các sông băng lân cận. Điển hình sông băng có tên là Schneeferner, nằm trên đỉnh Zugspitze, ngọn núi cao nhất của Đức trong tháng 7 vừa qua, lớp tuyết trở nên mỏng kỷ lục và đang tan chảy đáng kể trong những năm gần đây. Sông băng này đã mất đi phần lớn thể tích trong thập kỷ qua.
Phần lớn các sông băng ở Đức có nguy cơ biến mất trong 50 năm tới. Ảnh: DPA
Năm nay, nhiệt độ cao và lượng mưa thấp đã khiến các sông băng khó tồn tại vì lượng tuyết mỏng có thể đẩy nhanh quá trình tan chảy của băng.
Theo nhà băng học Mayer, không phải những người leo núi băng qua tuyết và các tảng băng làm hỏng các sông băng mà là đám mây bụi Sahara, một hiện tượng theo gió Tây Nam mang theo cát và bụi từ Sahara tràn vào châu Âu vào đầu năm 2022.
“Tuyết có bề mặt rất nhẹ. Điều này có nghĩa là khi mặt trời chiếu vào tuyết, phần lớn năng lượng mặt trời bị phản xạ nên không làm tan tuyết. Nhưng nếu có bụi đen hoặc cát sẫm màu trên bề mặt tuyết thì cát này sẽ hấp thụ. Bức xạ của mặt trời và nhiệt lượng được tạo ra sau đó được truyền trực tiếp vào quá trình tan chảy của tuyết. Và điều này dẫn đến thực tế là vào mùa xuân năm nay lớp phủ tuyết đã biến mất tương đối nhanh chóng, đặc biệt là trên các sông băng Bavaria”, ông Mayer nói.
Theo các nhà khoa học, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là cách dễ nhất để làm chậm quá trình tan chảy của các sông băng trên núi cao.
Theo VOV