Kết quả bầu cử đã được dự báo trước
Nước Đức hiện đang rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật do liên tiếp ghi nhận những mức tăng trưởng âm từ 1 năm gần đây. Theo dự báo từ các viện nghiên cứu châu Âu, Đức, nền kinh tế lớn nhất khối 27, sẽ tiếp tục đà tăng trưởng âm này trong vài quý tới. Các nguyên nhân chủ yếu đó là do tỉ lệ lạm phát cao, lãi xuất cao và các hậu quả đến từ các cuộc khủng hoảng năng lượng và y tế trước đó.
Đức hiện đang phải đối mặt với tình trạng nhiều công ty tuyên bố phá sản, người dân yêu cầu sự giúp đỡ từ chính phủ khi không chi trả nổi các chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Thậm chí, các chuyên gia kinh tế còn so sánh tình hình kinh tế hiện tại của nước Đức tương tự như cuộc khủng hoảng đầu những năm 2000, khi đất nước này được mô tả là “người ốm của Châu Âu ”.
Tuy nhiên, một phần của kết quả kinh tế bết bát này cũng đến từ việc chính phủ liên minh 3 đảng của Thủ tướng Olaf Scholz vẫn luôn mâu thuẫn và không đạt được sự đồng thuận trong đại đa số các vấn đề mà nước này gặp phải, ngoại trừ duy nhất có lẽ là việc ủng hộ Ukraina. Cũng chính điều này đã khiến cho uy tín của chính phủ cũng như của ông Olaf Scholz liên tục bị hạ thấp trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây.
Cụ thể, trong cuộc khảo sát được tiến hành bởi Viện Quốc gia về Khoa học Ứng dụng INSA của Pháp hồi tháng 8 vừa qua, gần 2 phần 3 số người được hỏi đều khẳng định muốn có một chính phủ mới. 64% những người được khảo sát bày tỏ sự không hài lòng với thành tích của chính phủ và khoảng 70% cho biết họ không hài lòng với hiệu suất của Thủ tướng Olaf Scholz.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên chính phủ đương nhiệm nhận được các con số đáng báo động mà việc này đã bắt đầu từ nhiều tháng trước đó, khi kinh tế Đức chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật trong khi ông Scholz vẫn chậm chạp không có phản ứng. Theo kết quả của cuộc thăm dò mới nhất hồi tuần trước, số người Đức không hài lòng với hoạt động của chính phủ đã tăng lên đến 79%.
Ngoài ra, việc Châu Âu hiện đang phải đối mặt với làn sóng di cư mới, với cuộc khủng hoảng ở đảo Lampedusa, Italy, cũng làm dấy lên sự lo ngại của người dân Đức khi nước này, cụ thể là đảng Xanh vẫn luôn duy trì sự phản đối về các văn bản liên quan đến “Quy chế khủng hoảng” cũng như các vấn đề liên quan đến cứu hộ, dẫn đến việc không đạt được sự đồng thuận về Hiệp ước di cư và tị nạn của Liên minh Châu Âu.
Mặc dù mới đây đảng Xanh đã nhượng bộ và đồng ý các điều khoản của Hiệp ước nhưng nỗi lo về việc chính phủ luôn mâu thuẫn sẽ dẫn đến việc Đức phải tiếp nhận một lượng lớn người di cư ngày càng hiện hữu. Và việc có khả năng phải dành một phần ngân sách để lo cho vấn đề di cư trong bối cảnh kinh tế khó khăn càng củng cố thêm sự bất mãn của người dân với chính phủ của ông Olaf Scholz.
Do đó, kết quả các cuộc bầu cử địa phương vừa diễn ra tại Đức là không bất ngờ và đã được dự báo trước. Thậm chí trước đó 1 tuần, N-TV, kênh truyền hình tin tức tư nhân của Đức, đã đưa ra một bài báo với kết quả chính xác lên đến trên 90%.
Sự dịch chuyển quyền lực sang phe cánh hữu
Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), hoàn toàn có thể hài lòng về kết quả đạt được sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa ngày 8/10 ở Bayern và Hessen.
Tại hai bang chiếm gần một phần tư dân số cả nước, AfD đang được sự ủng hộ chưa từng có, trong khi liên minh 3 đảng của Thủ tướng Olaf Scholz đang vấp phải sự phản đối của người dân.
Ở Bayern, theo kết quả tạm thời, AfD giành được 14,6% số phiếu bầu, nhiều hơn 4,4 điểm so với cuộc bầu cử khu vực gần đây nhất vào năm 2018.
Ở Hessen, đảng này thu được 18,4% số phiếu, cao hơn 5,3 điểm so với 5 năm trước. AfD hiện đang chiếm được vị trí thứ 2 tại cả 2 bang này.
Những kết quả này cũng xác nhận sự trỗi dậy của phe cực hữu trên toàn quốc. Theo các cuộc khảo sát mới nhất, nếu cuộc bầu cử lập pháp diễn ra hôm nay ở Đức, AfD sẽ có được sự ủng hộ vượt quá 20%. Trong khi năm 2021, đảng chỉ giành được 10,3% phiếu bầu.
Trong vòng 10 năm kể từ khi thành lập, AfD quả thực đã thay đổi rất nhiều. Ban đầu, đảng tập trung phần lớn thành viên là giới bảo thủ và tư sản ở phía tây đất nước. Ngày nay, AfD nhận được sự ủng hộ cao nhất ở Đông Đức cũ, nơi đảng đã trở thành điểm thu hút của những công dân có thu nhập thấp và những người bất mãn với các đảng nắm quyền đương nhiệm. Sau 10 năm, AfD đã có chỗ đứng vững chắc trong chính trị Đức. Tại Hạ viện Đức, AfD hiện đang có 79 đại biểu. Ở cấp bang, đảng có đại diện trong tất cả các nghị viện khu vực, ngoại trừ vùng Schleswig-Holstein, ở phía bắc đất nước. Với các kết quả bầu cử vừa qua, các chuyên gia nhận định AfD hoàn toàn có khả năng nhắm đến việc trở thành một đảng chính và tham gia trị vì đất nước.
Việc phe cựu hữu ngày càng chiếm được sự ủng hộ của đa số cũng là xu hướng chung của các nước thuộc Liên minh Châu Âu. Chúng ta đã chứng kiến điều đó tại các cuộc bầu cử mới đây ở Pháp cũng như ở Tây Ban Nha. Các chuyên gia cho rằng trong thời kỳ suy thoái kinh tế và khủng hoảng di cư thì các chính sách thiếu quyết đoán và có phần bị động sẽ chỉ làm gia tăng sự lo lắng của người dân. Do vậy, việc tìm đến các đảng có tư tưởng mạnh mẽ và các chính sách cứng rắn hơn là điều dễ hiểu. AfD cũng phần nào may mắn khi một trong những trọng tâm của cuộc bầu cử giữa kỳ lần này có liên quan mật thiết đến vấn đề di cư.
Sức ép đối với liên minh cầm quyền
Cuộc bầu cử ở các bang Hessen và Baravia được ví như một thước đo đối với nền chính trị ở thủ đô Berlin, và thất bại của cả SPD, đảng Xanh lẫn đảng Dân chủ Tự do (FDP), khiến uy tín của chính phủ liên minh 3 đảng và cá nhân Thủ tướng Olaf Scholz vốn dĩ đang đi xuống trong thời gian gần đây nay càng bị sứt mẻ. Và trước các thất bại này, giới quan sát tại Đức nhận định kết quả bầu cử giữa kỳ đang gây sức ép lớn lên chính phủ Đức và đe doạ làm tan vỡ chính phủ liên minh.
Theo giới phân tích, ông Olaf Scholz hiện đang phải đối mặt với 3 lựa chọn khả quan nhất. Thứ nhất, đó là cứu vãn tình thế bằng cách lợi dụng thất bại bầu cử để thiết lập lại nội các. Việc thay đổi nhân sự có thể giảm bớt phần nào đó các mâu thuẫn trong chính phủ và qua đó đẩy nhanh quá trình ban hành các biện pháp thiết thực hơn.
Thứ hai, Thủ tướng Đức có thể thay đổi các chính sách của mình liên quan đến vấn đề di cư, công nghiệp và năng lượng. Tuy nhiên phương pháp này sẽ vấp phải 2 khó khăn lớn. Đầu tiên đó là việc các chính sách của ông phải được sự ủng hộ của đa số thành phần nội các liên bang trước khi có thể ban hành. Và với tình hình mâu thuẫn ngày càng sâu sắc như hiện nay, đây là một bài toán khó cho ông Olaf Scholz. Ngoài ra, ông cũng sẽ phải chạy đua với thời gian để các chính sách mới của mình có thời gian lên men và đem lại kết quả khả quan trước khi cuộc bầu cử lập pháp diễn ra vào năm 2025.
Cuối cùng, Thủ tướng Đức hoàn toàn có thể làm điều mà ông luôn làm trong những tình huống khủng hoảng: giữ im lặng và sau đó tìm cách vượt qua. Chiến lược này có thể tiếp tục có tác dụng với ông trong vài tháng nữa và chỉ nhằm mục đích duy trì quyền lực.
Nhiệm kỳ thủ tướng của ông Olaf Scholz chắc chắn sẽ kết thúc vào năm 2025. Các chuyên gia cũng cho rằng nếu Thủ tướng Đức lựa chọn phương án im lặng thì nhiều khả năng chính phủ của ông sẽ tan rã trước sức ép dư luận đòi thay đổi chính trị ở Berlin đang tăng lên đáng kể sau kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua.
Anh Tuấn/VOV-Paris