Phép thử quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và EU. Ảnh: USEU.usmission.gov/TTXVN
Ngày 5/12 vừa qua, Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ (TTC) tổ chức cuộc họp tại Washington, Mỹ. Tạp chí Chính trị quốc tế của Đức có bài bình luận về cuộc họp này, nội dung chính như sau:
Kể từ khi được thành lập vào những tháng đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, hội đồng TTC đã được ca ngợi là một nỗ lực hiệu quả trong việc xây dựng lòng tin xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, áp lực đang gia tăng trong quan hệ Mỹ-EU khiến cuộc họp này trở thành một phép thử quan trọng đối với năng lực của TTC trong việc giải quyết căng thẳng giữa hai bên, đặc biệt là vấn đề chủ nghĩa bảo hộ thương mại cũng như các quan điểm địa chính trị khác biệt đối với Trung Quốc.
Mong muốn của Mỹ và EU về TTC
Nỗ lực ban đầu để thành lập TTC đến từ phía châu Âu, những người coi đây là cơ hội để thiết lập lại các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã bị rạn nứt nghiêm trọng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald-Trump. Tháng 12/2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất với chính quyền tương lai của Tổng thống Joe Biden về việc thành lập một diễn đàn chung nhằm giảm bớt các rào cản thương mại.
Thông qua TTC, hai bên có thể phối hợp phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định công nghệ, cải thiện an ninh chuỗi cung ứng quan trọng và tăng cường hợp tác nghiên cứu trong các công nghệ mới nổi quan trọng giữa châu ÂU và Mỹ. Sau những lo ngại ban đầu về hiệu quả thực tế của định dạng TTC, chính quyền của ông Biden cuối cùng đã chấp nhận ý tưởng này và TTC đã chính thức ra mắt tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU vào tháng 6/2021.
Nhưng trái ngược với quan điểm của châu Âu coi TTC như một nền tảng để xây dựng lòng tin xuyên Đại Tây Dương, Mỹ lại hy vọng rằng vấn đề địa chính trị sẽ là trung tâm của định dạng đàm thoại này. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ coi đây là một phần quan trọng trong chính sách Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Biden dựa trên cách tiếp cận "đầu tư, liên kết, cạnh tranh" do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vạch ra vào tháng 5/2022. Mỹ đặt mục tiêu tăng cường hợp tác, liên kết với "các đối tác cùng chí hướng" của mình ở châu Âu cũng như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các nơi khác.
Vị trí của Trung Quốc trong TTC đã trở thành vấn đề gây tranh cãi khi châu Âu kiên quyết chống lại việc coi TTC là một liên minh chống Trung Quốc. Các quan chức châu Âu phản đối mạnh mẽ những nỗ lực định vị TTC như một phương tiện để chống lại và kiềm chế Trung Quốc trong cuộc xung đột công nghệ toàn cầu ngày càng gia tăng.
Cấu trúc lỏng lẻo của TTC cho phép các quan chức bỏ qua các bất đồng truyền thống trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tập trung vào các lĩnh vực hợp tác hiệu quả hơn giữa hai bên. TTC được giám sát bởi các quan chức kinh tế và thương mại cấp cao ở Mỹ và EU, những người thường chỉ gặp nhau tại các hội nghị lớn. Phần lớn việc thảo luận hàng ngày diễn ra trong 10 nhóm làm việc về nhiều chủ đề, từ hợp tác về tiêu chuẩn kỹ thuật đến kiểm soát xuất khẩu.
Không giống như sáng kiến Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) nhằm hướng tới việc đặt ra tiêu chuẩn cao về sự liên kết pháp lý giữa Mỹ và EU trong một loạt lĩnh vực, một trong những nguyên tắc sáng lập của TTC là "quyền tự chủ về các quy định" dựa trên "sự tôn trọng đối với các hệ thống pháp luật khác nhau" giữa Mỹ và EU.
Ngoài ra, các vấn đề tranh cãi có thể làm hỏng sự hợp tác giữa hai bên, như vấn đề nông nghiệp, đầu tư công, giải quyết tranh chấp về đầu tư... đều được loại bỏ khỏi TTC. Thay vào đó, trọng tâm hợp tác trong định dạng này là các lĩnh vực mới mà hai bên đang nỗ lực phát triển và có thể có cùng hướng đi, như lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật số.
Trong khi vấn đề Trung Quốc vẫn là một trong những trọng tâm thảo luận của một số nhóm công tác của TTC, thì nhiều ưu tiên khác của định dạng hợp tác này đã thay đổi đáng kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trước cuộc họp của TTC hồi tháng 5/2022, sự phối hợp về kiểm soát xuất khẩu đã tăng lên mức tối đa trong chương trình nghị sự. Nhóm làm việc của TTC về chủ đề này đã tạo nền tảng cho "mức độ hợp tác chưa từng có" về các lệnh cấm xuất khẩu sang Nga và Belarus các mặt hàng công nghệ lưỡng dụng và công nghệ nhạy cảm khác có tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực quân sự.
Rào cản hợp tác xuyên Đại Tây Dương về tiêu chuẩn công nghệ
Cuộc xung đột tại Ukraine là một động lực mạnh mẽ cho sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương, nhưng về lâu dài, sự khác biệt về cách thức đối phó với Trung Quốc có khả năng trở thành một "lực cản" trong quan hệ hợp tác giữa Mỹ và châu Âu. Nhóm làm việc của TTC về tiêu chuẩn hóa công nghệ cho thấy những thách thức này.
Cho đến nay, nhóm làm việc này thực sự là một trong những nhóm hoạt động tích cực và thành công nhất của TTC. Sản phẩm chính của nhóm là thiết lập cơ chế thông tin tiêu chuẩn hóa chiến lược (SSI) để tạo điều kiện chia sẻ thông tin giữa các quan chức chính phủ và Tổ chức Phát triển Tiêu chuẩn (SDO) ở châu Âu và Mỹ, trong việc thiết lập tiêu chuẩn cho các công nghệ và vật liệu nhạy cảm. Tuy nhiên, những người trong cuộc đặt câu hỏi liệu TTC có thể đạt được mục tiêu cao hơn trong lĩnh vực này hay không.
Về lâu dài, nhóm làm việc về tiêu chuẩn hóa công nghệ muốn hướng tới mục đích thiết lập một nền tảng để phối hợp phát triển các tiêu chuẩn xuyên Đại Tây Dương trong các lĩnh vực mới như AI. Nhưng điều này vấp phải nhiều nghi ngờ, vì có sự khác biệt rõ rệt trong hệ thống tiêu chuẩn hóa của châu Âu và của Mỹ.
Ngoài ra, những người hoài nghi đã chỉ ra rằng chưa hẳn các doanh nghiệp Mỹ và EU đã thực sự là các "đối tác cùng chí hướng" trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa. Đối với các doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc, việc xác định ai là đối tác cùng chí hướng của họ không hề đơn giản.
Rào cản hợp tác xuyên Đại Tây Dương về chính sách
Trong khi các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thông qua TTC được củng cố bởi các diễn biến địa chính trị như khủng hoảng Ukraine, hay sự lo ngại về Trung Quốc, thì ở chiều ngược lại, các chính sách đơn phương của Mỹ trong những tháng qua lại làm gia tăng căng thẳng quan hệ Mỹ-EU.
Vấn đề lớn nhất gây ra căng thẳng chính là việc Mỹ ban hành Đạo luật Giảm lạm phát Mỹ (IRA), trong đó khuyến khích người Mỹ mua xe điện sản xuất tại nước này. EU cho rằng đây là hành động bảo hộ thương mại của chính quyền Mỹ, phá hỏng môi trường cạnh tranh lành mạnh, phân biệt đối xử với các nhà sản xuất châu Âu và vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các nhà lãnh đạo EU rất mong muốn Mỹ giải quyết những lo ngại này của EU. Mỹ và EU gần đây đã thành lập bộ phận đặc biệt về IRA để giải quyết các mối quan ngại của châu Âu.
Tương tự, Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về một số đề xuất lập pháp đang được các thể chế của EU triển khai, chẳng hạn Đạo luật trí tuệ nhân tạo mà EU đang xây dựng.
Trong vấn đề Trung Quốc, thời gian qua Mỹ tích cực gây áp lực để EU thực hiện đường lối cứng rắn hơn, trong nhiều lĩnh vực hơn đối với Trung Quốc, gồm cả những lĩnh vực mà EU không muốn quá cứng rắn với Trung Quốc. Với Mỹ, Trung Quốc vẫn là mối quan tâm hàng đầu về an ninh quốc gia, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ bán dẫn, AI, lượng tử, điện toán đám mây. Một loạt các hạn chế đơn phương và chưa từng có mà Mỹ áp đặt từ tháng 10 nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến cho thấy điều này.
Với EU thì khác, mặc dù liên minh này đã thực hiện các quy tắc kiểm soát xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ lưỡng dụng, cũng như triển khai nhiều cơ chế sàng lọc đầu tư khác nhau, nhưng EU không thể hiện sự lo ngại về mặt an ninh trước Trung Quốc với mức độ tương tự Mỹ.
Từ đầu tháng 11, các quan chức Mỹ liên tục thúc giục Chính phủ Hà Lan tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, nhưng các doanh nghiệp Hà Lan và cả doanh nghiệp Đức đã phản đối mạnh mẽ điều này vì họ chính là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp kiểm soát đó. Điều này khiến Chính phủ Hà Lan phải cân nhắc lại quan điểm và không thể hoàn toàn thực hiện theo yêu cầu của Mỹ.
Bất đồng giữa Mỹ và EU càng gây thêm căng thẳng cho định dạng TTC. Dù các quan chức cả hai bên đều sẽ cố gắng kiểm chế, không để căng thẳng này phát triển hơn nữa, nhưng việc Mỹ sẵn sàng thực hiện các biện pháp đơn phương mà không cần tham khảo ý kiến đồng minh một cách đầy đủ, sẽ làm tăng thêm sự phức tạp đối với sự hợp tác tiếp theo trong TTC.
Như vậy, sau sự khởi đầu thuận lợi, TTC hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong khi cuộc xung đột tại Ukraine ban đầu có ý nghĩa như một "lực hấp dẫn" kéo Mỹ và châu Âu xích lại gần nhau, nhất là về các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu, thì giờ đây, thiệt hại kinh tế do hậu quả của cuộc chiến có nguy cơ làm suy yếu sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương.
Bên cạnh đó, cách thức đối phó với thách thức Trung Quốc cũng là vấn đề góp phần "đẩy" Mỹ và châu Âu xa nhau hơn. Trong bối cảnh đó, cuộc họp của hội đồng TTC ở Washington lần này sẽ là phép thử quan trọng đối với cam kết ban đầu của hai bên trong việc thúc đẩy hợp tác hơn giữa hai bờ Đại Tây Dương./.
Vũ Tùng
Nguồn: bnews.vn