Mặc dù cuối cùng Đức đã quyết định cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cho Ukraine, nhưng Berlin vẫn cho thấy rõ sự ngần ngại trong vấn đề này vì nhiều lý do.

1 Phia Sau Quyet Dinh Cua Duc Chuyen Xe Tang Leopard 2 Cho Ukraine

Xe tăng Leopard của Đức (Ảnh: Twitter).

Hôm 25/1, Đức đã thông báo sẽ cung cấp các xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, đồng thời cho phép các nước đối tác tái xuất khẩu dòng xe tăng này.

Quyết định cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine với số lượng lớn thực sự đã tạo nên một bước thay đổi đáng kể trong chiến lược hỗ trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine.

Lần đầu tiên, các nước phương Tây cung cấp năng lực tấn công đáng kể để hỗ trợ Kiev thực hiện một chiến dịch lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ đã mất.

Quyết định trên đã rõ ràng đã được đưa ra sau quá trình cân nhắc kéo dài.

Trong vài tháng qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kiên quyết phản đối quyết định gửi xe tăng Leopard 2 do Berlin sản xuất đến Ukraine.

Ngay cả tại cuộc họp mà NATO tổ chức tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức vào ngày 20/1 để thảo luận về vấn đề này, mọi thảo luận đều kết thúc trong bế tắc, trước sự thất vọng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và một số đồng minh phương Tây khác của Kiev.

Nhà lãnh đạo Đức có nhiều lý do để làm như vậy. Theo các chuyên gia, ngoài nỗi lo sợ chung về nguy cơ đẩy xung đột leo thang hơn nữa, Đức không muốn tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang. Ngoài ra, Đức cũng muốn xây dựng lại quan hệ với Nga.

Nhưng dường như đây không phải là toàn bộ câu chuyện. Thủ tướng Scholz nhận thức rất rõ về việc Berlin phải phụ thuộc quá nhiều vào Washington trong vấn đề đảm bảo an ninh.

Vì vậy, ông chỉ đưa ra một quyết định quan trọng như vậy khi có sự chấp thuận rõ ràng của Mỹ và quan trọng nhất với bằng chứng rằng, Washington sẽ tham gia vào một thỏa thuận tương tự để cung cấp xe tăng của họ cho Ukraine.

Trước đây, Mỹ kiên quyết không gửi xe tăng Abrams tới Ukraine với lý do "chúng không phù hợp với điều kiện tác chiến ở Ukraine".

Một vấn đề khác của Đức là kho dự trữ xe tăng Leopard 2 tương đối ít, với chỉ khoảng 320 chiếc cho toàn bộ nhu cầu phòng thủ, giảm so với 4.000 xe tăng chiến đấu chủ lực trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Nhưng vấn đề cơ bản là Đức lo ngại rằng, nếu các quốc gia châu Âu khác đã mua xe tăng Leopard lại cung cấp các xe tăng này cho Ukraine, họ có thể lựa chọn thay thế kho xe tăng của mình bằng vũ khí của Mỹ. Điều này sẽ phá hủy một thị trường xuất khẩu vũ khí khổng lồ của Đức khi nước này đã xuất khẩu 2.399 xe tăng chiến đấu từ năm 1992-2010.

Trên thực tế, điều này đang diễn ra khi Ba Lan tuyên bố mua 116 xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ cùng với các thiết bị liên quan với giá trị 1,4 tỷ USD. Việc giao hàng bắt đầu từ đầu năm nay.

Cũng có một số yếu tố chính trị nội bộ nước Đức trong vấn đề này.

Để đảm bảo thỏa thuận, Bộ trưởng Quốc phòng trước đó của Đức là Christine Lambrecht đã phải từ chức. Bà Lambrecht là người phản đối kịch liệt việc cho phép sử dụng xe tăng Leopard 2 ở Ukraine. Nhân vật thay thế bà, ông Vladimir Pistorius, lại có quan điểm ủng hộ.

Trong khi đó tại Washington, hoạt động ngoại giao con thoi của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã giúp thuyết phục Tổng thống Joe Biden cam kết gửi 31 xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams M1 cho Ukraine.

Đây là một phần trong đòn bẩy của Washington nhằm thuyết phục Berlin thay đổi quyết định gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.

Ban đầu, Đức tuyên bố sẽ cung cấp 14 xe tăng Leopard 2A6 từ kho quân sự của mình cho Ukraine với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ tổng cộng 112 chiếc. Đức sẽ cung cấp phiên bản hiện đại nhất của Leopard 2, được đánh giá là xe tăng có năng lực hàng đầu thế giới bên cạnh M1 Abrams của Mỹ.

Ba Lan cũng đã cam kết cung cấp thêm 14 chiếc nữa cho Kiev trong khi Na Uy sẽ gửi phụ tùng thay thế và tối đa 8 chiếc Leopard 2.

Các nước châu Âu có tổng cộng khoảng 2.000 chiếc xe tăng Leopard. Ukraine đang kêu gọi tổng cộng 300 xe tăng và cho đến nay đã được cam kết hỗ trợ 105 chiếc và sẽ chuyển đến trong vài tháng tới.

Khi nào phương Tây cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine?

Trong khi đó, vấn đề cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine một lần nữa lại được đưa ra thảo luận.

Kiev đang tiếp tục kêu gọi phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu, trong đó chủ lực là chiếc F-16. Đây có vẻ là vấn đề lớn tiếp theo trong chương trình nghị sự liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine của các nước phương Tây.

2 Phia Sau Quyet Dinh Cua Duc Chuyen Xe Tang Leopard 2 Cho Ukraine

Máy bay F-16 của quân đội Mỹ (Ảnh minh họa: USAF).

Hà Lan đã tuyên bố sẵn sàng cung cấp F-16 nếu được yêu cầu và các nước châu Âu khác đang xem xét khả năng cung cấp cho Kiev kho dự trữ máy bay thời Liên Xô hiện có của họ để đổi lấy F-16 của Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự còn nhiều nghi ngại trong vấn đề này và nhấn mạnh rằng bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm giành ưu thế trên không sẽ là "một sai lầm đắt giá".

Washington cũng đã nói rõ rằng, Ukraine cần thay đổi chiến thuật tác chiến.

Các quan chức quốc phòng và an ninh quốc gia cấp cao của Mỹ đã gặp gỡ Tổng thống Zelensky để đề xuất các cách chuyển từ các trận chiến tiêu hao kéo dài, chẳng hạn như trận chiến diễn ra với chi phí rất lớn về người và đạn dược ở Bakhnut sang một cuộc chiến cơ giới hóa nhanh hơn, vốn mang lại hiệu quả cho Kiev trong các cuộc phản công vào mùa thu.

Việc phương Tây cung cấp các xe tăng hiện đại có khả năng chiến đấu cơ động nhanh như vậy sẽ giúp Ukraine thực hiện được chiến lược thay đổi đó.

Vấn đề là không chắc chắn khi nào các lữ đoàn xe tăng mới sẽ sẵn sàng tác chiến. Phải mất vài tháng nữa, những lô hàng xe tăng đầu tiên của các nước châu Âu mới đến được Ukraine trong khi xe tăng Mỹ thì còn lâu hơn nữa.

Vì vậy, Ukraine khó có thể thay đổi chiến lược kịp thời cho một cuộc tấn công mùa Xuân và Washington giờ đây dường như đã chấp nhận viễn cảnh một cuộc xung đột kéo dài.

Trong khi đó, Nga nói rằng quyết định cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine của các nước phương Tây là một "kế hoạch thất bại". Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechaev cũng đã cảnh báo lên án quyết định của Berlin là "rất nguy hiểm" và nói rằng chính nó đã "đưa cuộc xung đột sang một bước ngoặt đối đầu mới".

Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine

Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.

Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.

Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.

Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.

Theo Asia Times




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC